Dự án phục hồi RNM ở khu Ramsar Xuân Thủy do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ, đã trồng được trên 1500 ha RNM. Cùng với diện tích RNM tự nhiên ở VQG Xuân Thủy, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực đã góp phần thiết thực ổn định và từng bước tạo thế phát triển vững chắc tài nguyên môi trường và kinh tế - xã hội của khu vực. Các hoạt động của Dự án phục hồi RNM cùng những nỗ lực bảo tồn của Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã, đang và sẽ nhằm tạo dựng nên mô hình: Kết hợp hài hòa giữa nhu cầu b

I-Lịch sử phát triển rừng ngập mặn:

Rừng ngập mặn (RNM) ở khu Ramsar Xuân Thủy có lịch sử phát triển khá phức tạp. Bắt đầu từ việc phát tán cây rừng tự nhiên trên các bãi bồi mới được hình thành bởi sông và biển. Sau khi có diện tích đủ lớn, dân địa phương đa tiến hành trồng Trang (Kandelia candel) – một loài cây địa phương có sinh khối nhỏ và biên độ sinh thái hẹp. Trang bám rễ trụ lại ở những mảnh đất phù xa màu mỡ tạo tiền đề cho việc phát tán tự nhiên các cây rừng ngập mặn khác như Sú (Aegicerat corniculatum), Bần chua (Sonnerratia caseolaris), Ô rô (Acanthus abratetus), Mắm biển (Avicenia marina), từ đó hình thành nên một mẫu hình rừng ngập mặn hỗn giao có độ che phủ cao và có sinh khối lớn hơn. Rừng ngập mặn hỗn giao có khă năng thích nghi rộng và tạo ra nguồn lợi tự nhiên phong phú hơn. Bởi vậy rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử , sự tồn tại và phát triển RNM ở Khu Ramsar Xuân Thuỷ đã trải qua nhiều bước thăng trầm.Trước những năm 90 việc trồng RNM chủ yếu dựa vào nguồn lực tại chỗ của địa phương, nên diện tích RNM trồng mới còn nhiều hạn chế, mật độ cây trồng thưa và chất lượng rừng trồng thấp. Diện tích RNM chủ yếu được hình thành với mục đích phòng hộ cho đê biển và phần lớn diện tích rừng tự nhiên tập trung ở phía cửa sông Hồng. Đai rừng ven biển nhìn chung còn khá mỏng. Khi có sự thay đổi về cơ chế quản lý hoặc có biến động về thiên tai và điều kiện tự nhiên không còn thích hợp,RNM sẽ bị chết dần hoặc bị hủy diệt hàng loạt ,tạo ra những diễn biến phức tạp về tài nguyên môi trường như: Đê biển bị uy hiếp, đất đai canh tác bị thu hẹp vì phải dời đê vào sâu trong đất liền, nguồn lợi tự nhiên bị suy giảm. Từ đó đã tác động tiêu cực đến đời sống mọi mặt của cộng đồng địa phương.

Trong thập niên cuối thế kỷ XX, sau khi tình hình kinh tế-xã hội của Quốc gia nói chung được cải thiện khá hơn, Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến công cuộc bảo tồn thiên nhiên và chăm lo cho đời sống cộng đồng dân cư ven biển. Chương trình 327 ( Phủ xanh đất trống đồi núi trọc ) song hành với việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân thuỷ, cũng là thời điểm bắt đầu cho sự nghiệp phục hồi và phát triển tài nguyên RNM ở Khu Ramsar Xuân Thuỷ. Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng tiếp nối Chương trình 327 đã hình thành những thảm RNM xanh tốt ở cửa sông ven biển của khu vực. Từ năm 1997, các xã ven biển của khu Ramsar Xuân thuỷ lại nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án phục hồi rừng ngập mặn do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ.

Sau 6 năm thực thi Dự án phục hồi RNM của Hội chữ thập đỏ Đan Mạch đã trồng thành công trên 1500 ha RNM. Lúc đầu dự án chỉ trồng thuần loại loài Trang. Từ năm 2000 Dự án trồng bổ xung các loài cây ngập mặn mới như : Bần chua , Đâng ( Rhizophora stylosa ). Những mảnh đất cằn cỗi vì quá mặn và thiếu phù sa ở ven chân đê biển đã được trả lại màu xanh RNM khi xưa. Người dân địa phương đã bớt đi nỗi lo vì thảm hoạ vỡ đê biển khi chứng kiến bức tường xanh của RNM đang hàng ngày canh giữ vững chắc cho đê biển quê hương.

Những ghi nhận bước đầu về phát triển kinh tế xã hội ở khu vực đã cho thấy kết quả đáng khích lệ của của dự án phục hồi RNM ở Khu Ramsar Xuân Thuỷ.

Kết quả nổi bật nhất là sản lượng các loài thuỷ sản tăng đáng kể. Chỉ riêng việc thu hoạch loài Cua bể ( Scylla serrata ) đã đem lại thu nhập khá cao cho cộng đồng dân ven biển. Bình quân một hộ làm nghề xét cua đã thu được 3,5 triệu đồng / năm

 ( gấp từ 3-5 lần khi chưa phục hồi RNM ).Số hộ làm nghề xét cua tăng 30%.Có tới 35% số hộ trong khu vực có được thu nhập ổn định từ nghề này. Ngoài Cua bể ,các loài hải sản khác cũng được phục hồi và đạt mức tăng trưởng  khá, cả về sản lượng và số loài. Các loài nhuyễn thể quý hiếm cũng xúât hiện trở lại như : sam, móng tay, ốc hương, sò huyết...tạo nên sự phong phú và tăng cường giá trị của những sản phẩm thuỷ hải sản ở khu vực.

Các nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản khác cũng được tăng trưởng trở lại. Trước kia khi chưa có RNM phục hồi , thu nhập của các nghề này tương đối nhỏ và khá bấp bênh, nhưng đến nay họ cũng đã có được thu nhập khá ổn định, nhất là ở khu vực đầm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp giữa giữ rừng và nuôi thả tôm ,cua… Bình quân các đầm tôm có lợi nhuận khoảng 10-15 triệu đồng/ha/năm. Các vây vạng có lợi nhuận khá hơn ,khoảng 30 triệu đồng /ha,năm. Cá biệt trong các tháng 6, 7, 8 năm 2004 cộng đồng địa phương đã thu được rất nhiều Ngao               ( Meretrix lusoria ) vạng giống . Ước tính tổng giá trị đạt trên 40 tỷ đồng.

Một sản phẩm khác cũng có được thu nhập khá hơn và dễ dàng nhận biết là nghề nuôi ong mật từ khai thác nguồn hoa RNM. Nghề này đã có thời điểm thu tới 50 tấn /năm. Khi RNM bị thu hẹp sản lượng mật ong cũng bị suy giảm theo , chỉ còn chừng 10-15 tấn /năm. Đến nay khi đã có được diện tích RNM phục hồi tốt hơn, sản lượng mật ong cũng tăng trưởng trở lại tương đối khá. Năm 2004,sản lượng mật ong của khu vực ước đạt khoảng 40 tấn.

Cùng với những loài thuỷ sinh, chim và các loài động vật hoang dã khác cũng đã trở về sinh sống khá đông đúc, tạo nên bức tranh về cảnh quan của khu vực vừa trù phú vừa tươi đẹp. Hiện tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng chim di trú quốc tế. Khu Ramsar Xuân Thuỷ đã đang và sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế.

Song song với việc góp phần phát triển phát triển kinh tế , Dự án phục hồi RNM còn rất chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục môi trường cho cộng đồng địa phương. Nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường đã được tổ chức khá sinh động như : Tổ chức hội thi tìm hiểu về RNM cho học sinh các Trường phổ thông ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuy; Giao lưu văn hoá văn nghệ với chủ đề bảo vệ môi trường; Mở các chiến dịch truyền thông về bảo tồn thiên nhiên; Tuyên truyền bảo vệ RNM và tài nguyên môi trường của Khu Ramsar Xuân Thuỷ trên hệ thống thông tin  đại chúng ...Các hoạt động tích cực trên đã góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích nhiều mặt của công tác phục hồi, bảo vệ RNM nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung cho cộng đồng dân cư ở địa phương. Từ đó hình thành nên ý thức trân trọng RNM và thiên hướng sử dụng khôn khéo & bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá của cư dân vùng cửa sông ven biển ở Trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

Bộ mặt nông thôn của các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân thuỷ đã khởi sắc lên rất nhiều sau khi RNM được phục hồi trên toàn khu vực. Có được sự thay đổi sâu sắc đó là nhờ vào sự tăng trưởng khá ổn định của nghề nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thuỷ sản ( tổng thu năm 2004 ước đạt gần 100 tỷ đồng ), môi sinh môi trường của khu vực cũng được cải thiện.

Phục hồi RNM - cội nguồn mọi lợi ích của hệ sinh thái đặc thù ở cửa sông ven biển - là một công việc có ý nghĩa sâu sắc đối với sự sinh tồn và phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Đồng nghĩa với việc tạo tiền đề thuận lợi cho Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thuỷ thực hiện tốt cam kết quốc tế của Chính phủ khi đã đăng ký vùng bãi bồi ở phía nam cửa Sông Hồng tham gia công ước Ramsar  (Tháng 01/1989 ).

II-Một số giải pháp và tồn tại:

Kinh tế thủy sản mang lại cuộc sống ấm no và có phần hạnh phúc hơn cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản bằng làm đầm tôm và vây vạng, đã tạo nên sức hút mãnh liệt với nhiều người có mong muốn làm giàu nhanh. Từ đây tạo nên áp lực mới đối với rừng ngập mặn nói riêng và tài nguyên môi trường nói chung. Diện tích rừng ngập mặn rất rễ bị thu hẹp và bị tổn thương vì bị ô nhiễm từ nguồn chất thải của các mô hình nuôi trồng thủy sản như trên. Rải rác ở đâu đó RNM vẫn bị chặt trộm để lấy đất làm vây vạng, làm nhiên liệu hoặc làm công cụ khai thác thủy sản. Một số diện tích rừng ngập mặn vẫn bị loại Hà (một loại nhuyễn thể sống bám vào thân lá cây RNM) xâm hại khá mạnh do còn tồn tại môi trường nước quá mặn vào mùa đông ken.

Nguồn lợi thủy sản cũng là đối tượng đang bị cộng đồng địa phương khai thác quá mức, thậm chí vẫn còn tình trạng khai thác hủy diệt. Bởi vậy RNM nói riêng và tài nguyên môi trường nói chung của khu vực vẫn bị còn tác động mạnh mẽ và phát triển chưa thực sự bền vững.

Muốn khắc phục những tồn tại trên cần phải áp dụng hàng loạt các giải pháp đồng bộ mang tính quản lý tổng hợp. Trước tiên cần phải tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo giữ vững vốn RNM và các tài nguyên cơ bản khác, làm nền tảng cho việc thực thi kế sách sử dụng khôn khéo & bền vững tài nguyên đất ngập nước ở địa phương. Công tác tuyên truyền giáo dục môi trường cũng cần phải được triển khai thường xuyên theo cả chiều sâu và bề rộng nhằm tạo ý thức hệ về phát triển bền vững cho toàn thể cộng đồng. Cuối cùng là hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tạo thu nhập thay thế thích hợp, giúp cho cộng đồng địa phương ổn định đời sống, từng bước đạt hiệu quả về giảm sức ép khai thác tài nguyên môi trường ở khu vực đã quá mức như hiện tại

 

III-Tiêu kết:

Khu Ramsar Xuân Thủy với kinh nghiệm phục hồi RNM và bảo tồn tài nguyên môi trường trên một thập kỷ qua, trong tương lai sẽ tiếp tục phát huy những giá trị phong phú của mình; góp phần tích cực vào việc tạo dựng mô hình: kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển. Thực hiện tốt khuyên cáo của công ước Ramsar là sử dụng khôn khéo & bền vững tài nguyên đất ngập nước. Khu Ramsar Xuân Thủy đã và đang từng bước đáp ứng lợi ích lâu dài của quốc gia và quốc tế.
                                                                                                     Nguyễn Viết Cách
                                                                                                   GĐ - VQG Xuân Thủy

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501