Hệ sinh thái Rừng ngập mặn trong vùng đệm đóng
góp vai trò khá quan trọng - từ phòng hộ dân sinh đến cung cấp thức ăn và là
bãi để cho các loài thuỷ sinh sinh sống, đồng thời góp phần đảm bảo môi sinh và
giữ gìn cân bằng sinh thái cho khu vực. Mặt khác, các loài thủy sinh như tôm,
cua bể, ngao, don, móng tay trong Rừng ngập mặn cũng đem lại giá trị kinh tế và
nguồn thu nhập khá cao cho cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Xuyến (Xóm 8 – Xã
Giao An) – người làm nghề chuyên khai thác tự do các tài nguyên thủy sinh trong
Rừng ngập mặn thì hiện tại Rừng ngập mặn phòng hộ và Rừng ngập mặn sản xuất của
Địa phương gần như bị bỏ ngỏ về công tác quản lý. Cộng đồng không được hỗ trợ
pháp lý cũng như không nhận thức được vai trò của Rừng ngập mặn đối với đời sống
thường nhật nên sử dụng rừng không hợp lý và kém bền vững.
Hệ quả tất yếu là rừng gần như lâm vào tình trạng
không có chủ, mạnh ai nấy làm, trong khi các quy định của luật hiện hành không
giải quyết thoả đáng việc khoán quản lý bảo vệ rừng cũng như không đưa ra các
quy định thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương về quyền lợi và trách
nhiệm của các bên liên quan trong quản lý sử dụng khôn khéo và bền vững tài
nguyên rừng. Từ đó Rừng ngập mặn bị xâm hại, các tài nguyên tự nhiên khác cũng
bị suy giảm mạnh do khai thác quá mức và cạn kiệt, thậm chí huỷ diệt.... Nếu
không sớm áp dụng các giải pháp quản lý tích cực và hữu hiệu sẽ dẫn đến nguy cơ
không thể thực hiện được mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi
trường của khu vực.
Trước tình hình đó, Vườn Quốc gia
Xuân Thủy đã lập dự án, đề nghị nhà tài trợ là Liên minh Đất ngập nước Quốc tế
hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm mô hình giao khoán khai thác, quản lý và sử dụng
Rừng cho cộng đồng tại địa bàn quản lý Xã Giao An. Theo đó, sẽ cùng cộng đồng
thỏa thuận xây dựng Quy chế đồng quản lý, sử dụng và khai thác Rừng ngập mặn,
thành lập Ban quản lý, các nhóm nòng cốt, tổ, đội khai thác, gắn liền quyền lợi
và trách nhiệm của cộng đồng trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên Rừng ngập
mặn. Cơ chế vận hành và giám sát cũng sẽ được các bên liên quan thống nhất
thông qua.
Hiện tại dự án đã khởi
động và đang thực hiện khảo sát, điều tra KTXH. Dự kiến nếu mô hình thành công
sẽ nhân rộng ra toàn bộ khu vực Rừng ngập mặn của các xã vùng đệm, mở ra một hướng
đi mới, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm cho cộng đồng, biến những nguy cơ tiềm
ẩn xâm hại rừng thành cơ hội để phát triển và bảo tồn bền vững tài nguyên Đất
ngập nước.
Từ một ý kiến đóng góp nhỏ của cộng đồng, nếu biết lắng nghe sẽ giải quyết được một vấn đề lớn. Đó là bài học và là phương châm mà Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã và đang thực hiện thành công trên chặng đường thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng, khu RAMSAR đầu tiên của Đông Nam Á.
Người dân đang khai thác thủy sản trong rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy