Du lịch đồng bằng sông Hồng: Tìm giải pháp để phát triển bền vững (09:50 | 02-03-2010)
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bao gồm 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên và có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nơi đây đang là "bài toán khó" đối với ngành du lịch.
Thừa tiềm năng…
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), đến năm 2010, lượng khách du lịch quốc tế của thế giới lên tới 1.006 triệu lượt, doanh thu ước đạt 900 tỷ USD. Nếu như trước đây, châu Âu và châu Mỹ là những khu vực tập trung lượng lớn khách du lịch, thì nay, dòng khách du lịch thế giới đang hướng tới những nước có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam).
Trong bối cảnh đó, việc tập trung phát triển du lịch vùng ĐBSH chính là việc làm cấp bách, tạo đà cho ngành du lịch nước ta phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới. Ông Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, tiềm năng du lịch của vùng ĐBSH rất đa dạng và phong phú cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn (đặc biệt là những tài nguyên sinh thái rừng, sông hồ, hang động, bãi biển, các di tích văn hóa lịch sử, các bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc…) cho phép phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thêm vào đó, vùng ĐBSH có các trung tâm đô thị lớn (gồm Hà Nội, Hải Phòng…) có các cửa khẩu quốc tế quan trọng về đường hàng không và đường thủy (như: sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, cảng Hải Phòng…). Đây là những cửa ngõ quan trọng để thông thương với quốc tế và đón nhận khách du lịch.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cũng cho biết thêm, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, du lịch tâm linh gắn với nhiều di tích lịch sử, sự phát triển của phật giáo cùng các tôn giáo, tín ngưỡng khác như: đền Đinh, đền Lê, Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Dâu, chùa Keo, Phủ Giầy… và những di sản văn hóa phi vật thể như múa rối, chèo, quan họ… sẽ là sản phẩm du lịch chính của vùng ĐBSH.
Nhưng thiếu chiến lược
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của vùng ĐBSH hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo bà Hương, nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn quá ít. Nhiều tỉnh, chỉ có 1-2 cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Thêm vào đó, mỗi tỉnh phải có từ 1,8 đến 2,5 tỷ đồng cho công tác tuyên truyền, quảng bá. Trên thực tế, mỗi tỉnh chỉ dành từ 100-200 triệu đồng cho công tác này. “Thời gian tới, ngành du lịch cần xây dựng kế hoạch marketing du lịch cho vùng ĐBSH. Từ kế hoạch đó, mỗi địa phương sẽ tự xây dựng kế hoạch marketing cho riêng mình. Ngoài ra, mỗi địa phương phải chọn ra một loại hình du lịch độc đáo để xây dựng thương hiệu”, bà Hương nói.
Còn theo ông Lưu Nhân Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Hà Nội, chất lượng các sản phẩm du lịch tại một số địa phương ở vùng ĐBSH chưa cao, thiếu sự đặc trưng và độc đáo. Đặc biệt, các sản phẩm của các địa phương hay có sự chồng chéo, lặp đi lặp lại. Thậm chí, sản phẩm của địa phương nào đang hút khách thì nơi khác “nhái” ngay ý tưởng kinh doanh đó, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ông Vinh đưa ra một số giải pháp hoàn thiện các sản phẩm du lịch vùng ĐBSH thời gian tới, đó là ngành du lịch nên tổ chức tổng hợp, kiểm tra và rà soát lại các sản phẩm du lịch tại các địa phương để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của từng sản phẩm. Từ đó, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm bản sắc của từng địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, chú trọng đầu tư xây dựng sản phẩm mới, xây dựng những khu du lịch, tuyến du lịch trọng điểm…
Nguồn: Môi trường du lịch Việt Nam
Để thực sự là “du khách xanh” (16:04 | 18-05-2011)
Tóm tắt dự án“Tăng cường năng lực cộng đồng tham gia quản lý và phát triển Du lịch sinh thái theo nguyên tắc bình đẳng giới, tại Khu vực VQG Xuân Thuỷ, Nam Định” 2006-2007 (21:45 | 03-03-2011)
Sử dụng rừng để phát triển du lịch bền vững (21:37 | 01-03-2010)
Du lịch sinh thái cộng đồng: Kinh nghiệm và thách thức (21:31 | 01-03-2010)
Hoạt động du lịch vùng đất ngập nước và xóa đói giảm nghèo (21:32 | 21-01-2010)
Du lịch sinh thái: Hướng đến sự bền vững (21:29 | 21-01-2010)
Bảo tồn biển kết hợp làm du lịch: Chuyện không đơn giản (21:24 | 21-01-2010)
Để trở thành du khách thân thiện với môi trường (21:21 | 21-01-2010)
Kinh nghiệm du lịch sinh thái tại Nhật Bản đối với Việt Nam (21:16 | 21-01-2010)
Du lịch và tình nguyện – sự kết hợp hoàn hảo (21:11 | 21-01-2010)