Không phải tự nhiên mà khu vực biển Hòn Mun, nơi cách cảng Cầu Đá (Nha Trang) 45 phút tàu chạy được chọn để triển khai Dự án khu bảo tồn biển do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch và tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tài trợ với tổng số tiền gần 2,2 triệu USD.

Từ dự án bảo tồn

Hòn Mun khá đa dạng sinh vật biển, thềm san hô biển gần như còn nguyên vẹn với trên 300 loài san hô nhiều màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng… ở độ sâu trung bình 10m. Tại khu vực bảo tồn có nhiều đảo, với các hang động chìm dưới biển kỳ ảo, thuận lợi cho việc nghiên cứu biển và phát triển du lịch lặn.

Trong suốt quá trình triển khai dự án từ 2001 đến giữa năm 2005, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Mun (BQLKBT) bằng những nỗ lực đã tạo được sự ý thức bảo vệ biển của người dân sinh sống trong vùng với những chương trình: Tạo phao neo trong vùng biển để tàu thuyền không thả neo trực tiếp làm hư hại thềm san hô, nghiêm cấm và tuần tra để tránh tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt tại vùng biển này. Bên cạnh đó, để tránh ô nhiễm môi trường biển, tạo điều kiện cho các loài trở về sinh sống, phục hồi và phát triển thêm các rặng san hô, Ban quản lý khu bảo tồn đã hướng người dân vùng đảo đổi nghề như nuôi trồng thủy sản, đan lưới, trồng rong sụn, làm hàng thủ công… cùng với việc trồng phục hồi rừng ngập mặn, thường xuyên tổ chức các đợt làm sạch biển…

Theo báo cáo sau khi kết thúc dự án: Sau bảy năm gìn giữ, đến năm 2008 kết quả cho thấy nhiều loài cá đã phục hồi, thềm san hô tăng dần từng ngày, nhiều loài sinh vật biển quý hiếm trở lại sinh sống, ngư dân đã có thể hưởng thụ từ những vụ mùa bội thu từ cái nôi bảo tồn biển được giữ gìn.

Đến khai thác du lịch biển

Khi kết thúc chương trình thí điểm, BQLKBT vịnh Nha Trang được thành lập. Bên cạnh đó, một quy chế mới là khách du lịch tham gia lặn biển trong Khu biển Hòn Mun phải đóng phí là 30.000 đồng/người. Một phần số tiền thu phí sẽ dùng để bảo vệ, khôi phục lại vùng biển.

Hiện nay, khu vực Hòn Mun đang trở thành một điểm du lịch lặn biển hấp dẫn. Bên cạnh chức năng bảo tồn, BQL KBTB vịnh Nha Trang cũng bắt đầu hợp tác với các đơn vị để làm du lịch như: bơi thuyền đáy kính, thăm san hô bằng tàu đáy kính… Lãnh vực du lịch lặn hiện nay có tới 9 đơn vị tham gia.

Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản kiêm Giám đốc dự án, cho biết: “Hàng ngày trung bình có khoảng 1.000 du khách đến vùng biển này. Hầu như toàn bộ chất thải của con người và tàu thuyền đều xả trực tiếp xuống biển… Hòn Mun cách cảng Nha Trang không xa và tàu bè thường xuyên ra vào. Đáng lo nhất, nếu xảy ra sự cố, như tai nạn tàu biển làm tràn dầu chẳng hạn, thì hậu quả đối với khu bảo tồn biển này thật khôn lường”.

Từ nhận định trên cho thấy, việc bảo tồn khu vực biển và rặng san hô xinh đẹp đang bị ảnh hưởng khi đưa vào khai thác du lịch vượt tầm kiểm soát, khuấy động môi trường biển.

Ai dám bảo đảm khách du lịch không xả rác xuống biển, tàu thuyền không xả dầu ra biển? Và ai dám cam kết các rạn san hô xinh đẹp dưới độ sâu từ 5-10m kia sẽ không bị phá vỡ bởi chính những người lặn tiếp cận với chúng? BQL có thể theo sát kiểm tra được không? Dẫu chưa xảy ra, nhưng nếu lỡ xảy ra tràn dầu thì phải mất thời gian bao lâu mới khôi phục lại được hiện trạng?

Đã đến lúc BQLKBTB và các đơn vị du lịch phải cân nhắc đến việc giới hạn số lượng du khách cho mỗi tour lặn biển trong cùng một thời gian, một giai đoạn để đảm bảo duy trì môi trường biển, tạo phát triển bền vững lâu dài cho du lịch lặn biển tại đây. Việc tận dụng tối đa nhu cầu, sở thích của du khách để khai thác kinh doanh lợi nhuận có thể làm mất đi một sản phẩm du lịch độc đáo nói riêng, phá vỡ môi trường biển nói chung của Nha Trang – Khánh Hòa.

 



Nguồn: Báo Du lịch

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501