Theo thống kê, Việt Nam có tới 30 Vườn quốc gia, 69 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Thế nhưng, để sử dụng nguồn tài nguyên “vàng” này vào phát triển du lịch bền vững, thì ở nước ta mới chỉ ở mức “chiến lược phát triển” mà thôi.

 
 
Hiểu thế nào về du lịch sinh thái, du lịch bền vững?


Hiện nay, du lịch sinh thái (DLST) đang là xu hướng thời thượng trên thế giới và đặc biệt phát triển tại VN trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nhưng nhìn chung những kết quả của loại hình du lịch này mang lại thì chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có. Ông Richard McNally, đại diện tổ chức quản lý rừng và bảo tồn động vật hoang dã (WWF) tại Việt Nam nhận xét: “Trên con đường phát triển du lịch gắn với rừng, ở Việt Nam đang gặp phải rất nhiều sức cản, mà điều đầu tiên là chúng ta nhận thức chưa đầy đủ, không đúng về nó; thứ hai là không được sự ủng hộ của người dân địa phương, sau đó là các hiện tượng lợi dụng phát triển du lịch để lấn chiếm đất rừng, săn bắn, đầu tư phát triển giao thông bừa bãi… Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm bây giờ là xây dựng lại nhận thức cho mọi người hiểu biết hơn về DLST, về những lợi ích mà nó có thể mang lại”.


DLST là hình thức du lịch thưởng thức trực tiếp thiên nhiên gắn với văn hóa địa phương, một loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham quan những khu vực tự nhiên chưa bị tác động bởi bàn tay con người, để thưởng thức và hiểu rõ giá trị của tự nhiên, để thúc đẩy việc bảo tồn, giảm tác động tiêu cực của con người đối với rừng đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thực chất, xưa nay chúng ta thường quan niệm làm DLST nghĩa là trong đó có cây cối, hoa lá, động vật (chim, cá, thú…) là đủ. Chính quan niệm như thế dẫn đến việc người làm du lịch lạm dụng hai chữ “sinh thái” mà làm mất đi sự hấp dẫn của một loại hình du lịch rất có triển vọng phát triển mạnh tại Việt Nam. Để DLST ở Việt Nam thực sự phát triển và mang được những quy chuẩn cơ bản, rất cần có sự tham vấn tích cực của các tổ chức phát triển DLST thế giới, hình thành một loại hình du lịch hoàn thiện và nó phải mang được đầy đủ những ý nghĩa vốn có. Ông Richard McNally nhận xét “Là một trong số ít đất nước trên thế giới có được những điều kiện thiên nhiên phong phú, Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, rừng kéo theo suốt chiều dài đất nước, nhưng để đầu tư phát triển DLST thì chưa đạt được yêu cầu của du khách quốc tế, Việt Nam đang nằm ở ngưỡng cửa tiếp xúc thôi chứ chưa có thể gọi là phát triển. Những người điều hành tour du lịch này vẫn chưa hiểu hết và đạt được các tiêu chí về DLST.”


Những vấn đề chính cần thực hiện


Nước ta có một số vườn quốc gia (VQG) nổi tiếng và cũng là những địa chỉ DLST hấp dẫn như: VQG Cúc Phương mỗi năm đón được 47.000 du khách (trong đó có khoảng 3.000 khách nước ngoài), VQG Cát Tiên cũng thu hút được khoảng 12.000 du khách mỗi năm (trong đó khoảng 1.800 khách nước ngoài), VQG Ba Vì cũng đón được hàng chục nghìn du khách mỗi năm, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mỗi năm cũng mang về lợi nhuận từ 10 – 15 tỷ đồng và còn rất nhiều những VQG khác cũng có sức hẫn dẫn không kém. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta có thể tự mãn là mình đã thành công, điều quan trọng là sau khi tới rồi du khách có quay lại lần thứ 2 hay không? Ông Lasse Juul Olsen, đại diện tổ chức WWF tại Đan Mạch đánh giá: “Việt Nam là một nước có sự tăng trưởng rất nhanh về lượng khách du lịch, dựa vào điều kiện tự nhiên tuyệt vời, đất nước các bạn có rất nhiều cơ hội để xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng. Nhưng thực chất Việt Nam lại đang nằm ở bước ngoặt làm thế nào để phát triển DLST bên trong và bên ngoài VQG, bởi lẽ chúng ta đang thiếu trầm trọng sự đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực du lịch này, hoạt động kinh doanh du lịch không nhiều, đất nước các bạn đang lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức mà không có sự can thiệp và tái tạo lại nó.


Một số chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Ngay từ bây giờ chúng ta nên xây dựng những tiêu chuẩn quốc gia về DLST, xây dựng diễn đàn cho các bên liên quan: tập hợp nhà nước và khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương…, thí điểm về vấn đề hợp tác các bên cùng có lợi. “Đối với rừng đặc dụng, cần phải khoanh vùng và quy hoạch trước khi bị xâm phạm (phá trừng, săn bắn, xả rác…) và một yêu cầu cơ bản nhất là các nhà đầu tư cần phải xây dựng quy hoạch các khu DLST đạt các tiêu chuẩn cơ bản quốc tế”, PGS.TS Phạm Trung Lương – Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định. Về những yêu cầu này, Ông Richard McNally cũng nêu lên một số nguyên tắc cơ bản về hoạt động DLST: “Chúng ta phải mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngắm thiên nhiên bằng nhiều cách, làm sao cho họ thưởng thức, đáng giá và hiểu về những giá trị của loại hình này; gắn kết bản sắc văn hóa tồn tại trong khu vực và đáp ứng phù hợp sự mong muốn của khách hàng”.


Ông Võ Đức Trung GĐ công ty TNHH Hội Hữu, một nhà đầu tư đang khai thác DLST rừng tại Đà Lạt, cho biết: “Hiện nay ở nước ta có nhiều thuận lợi để phát triển DLST rừng, những loại hình như chèo thuyền, đi bộ xuyên rừng, vượt thác, cắm trại… khách quốc tế rất thích, nhưng đáng tiếc chúng ta lại chưa tận dụng và phát huy được hết thế mạnh mà chúng ta có”. Làm sao sử dụng rừng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững đang là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý du lịch ở Việt Nam. Nếu thực hiện tốt điều này, nó sẽ mang lại những nguồn lợi kinh tế xã hội vô cùng to lớn mà chúng ta không thể ngờ tới, giúp nâng cao hình ảnh của đất nước Việt Nam trong mắt du khách quốc tế và điều quan trọng nhất là không làm lãng phí và hủy hoại đi nguồn tài nguyên rừng vô cùng quý giá mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.


                                                Nguồn: Báo du lịch số 49

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501