Với vai trò to lớn cùng sự đa dạng về mặt sinh học, hệ sinh thái rừng ngập mặn đã và đang được rất nhiều các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham gia tìm hiểu và nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà TNR đang bị xâm hại nghiêm trọng thì việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng nói chung và hệ sinh thái rừng ngập mặn nói riê ng sẽ như thế nào? Bài viết này sẽ đưa ra một giải pháp đã và đang được thực hiện thành công tại Xuân Thủy

Cán cân giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường rất khó được duy trì ở trạng thái cân bằng và thường dẫn tới những mâu thuẫn giữa giá trị lâu dài và lợi ích trước mắt. Vườn Quốc gia Xuân Thủy (VQGXT) đã giải quyết thành công bài toán trên khi đã xóa bỏa được hiện tượng chăn thả gia súc tự do trong vùng lõi và tạo sinh kế thay thế cho người nông dân.

Mặc dù là một Vườn quốc gia và khu Ramsar nhưng đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Xuân Thủy bị đe dọa bởi các hoạt động không bền vững như: khai thác thủy sản quá mức và chăn thả gia súc trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn. Hàng trăm gia súc như trâu và dê được thả tự do trên Cồn Lu đã tàn phá thảm thực vật, làm nhiễu loạn sinh cảnh sống của các loài chim nước, và dẫn tới các hiện tượng mất an ninh (bắt trộm trâu) trong vùng lõi trong rất nhiều năm.


Rừng trên Cồn Lu bị gia súc tàn phá nghiêm trọng (2007)


Đây là động lực thúc đẩy VQGXT phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương như Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nam Định, UBND các xã vùng đệm và cận đệm (Giao Thiện, Giao An và Giao Hương) thiết lập những thể chế phù hợp nhằm quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, do những hạn chế về cách tiếp cận và hỗ trợ tài chính mà địa phương không thể nghiêm túc triển khai được công tác quản lý theo luật định, do đó chăn thả gia súc tự do vẫn tiếp diễn.

Năm 2008, VQGXT đã được Chương trình Liên minh Đất ngập nước (WAP) và Viện Phát triển các nguồn lực ven biển Á châu (CORIN-Asia) tại Việt Nam hỗ trợ không chỉ về tài chính, mà còn về thể chế và cách tiếp cận mới: Quản lý bền vững đất ngập nước dựa vào cộng đồng và giải quyết các mâu thuẫn sử dụng tài nguyên dựa vào chính nhu cầu của địa phương.

Trước hết, cán bộ VQG đã không quản khó nhọc đi khảo sát thực địa, đến từng nhà của hơn 200 hộ dân để tìm hiểu nguyện vọng, tổ chức các buổi đối thoại để nâng cao nhận thức của cộng đồng và từ đó cam kết không chăn thả tự do gia súc trong vùng lõi của VQG.

Đồng thời, người dân cùng với VQG tìm và xây dựng sinh kế thay thế bền vững. Một trong những sinh kế thay thế là nghề trồng nấm từ nguyên liệu rơm rạ. Mô hình thí điểm trồng nấm đã trở thành sinh kế thay thế cho các chủ gia súc. 


                   

Cán bộ VQG Xuân Thủy đang trao đổi với người dân tại nhà

Như vậy, rất nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như việc chăn thả gia súc quá mức trong vùng lõi được xóa bỏ, rừng ngập mặn và rõng phi lao được tái sinh, và sinh kế trồng nấm đem lại thu nhập  cho người dân.



Trồng nắm, sinh kế thay thế của người dân địa phương


Sau khi thực hiện việc di dời đàn gia súc, màu xanh đã trở lại trên Cồn Lu (2008)

Đây là một minh chứng cho thành công của các đối tác địa phương tại Nam Định trong việc khuyến khích hợp tác giữa các bên và sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc duy trì cán cân của bảo tồn và phát triển trong khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủ./
Đinh Thị Phương
Điều phối viên CoRin - Asia, Việt Nam
 
 
 

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501