Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) được triển khai thực hiện thí điểm ở nơi đây đang có xu hướng phát triển đầy hứa hẹn. Hàng năm có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến địa phương để học tập, nghiên cứu hệ sinh thái đất ngập nước VQG Xuân Thủy và cùng tham gia hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng.Thành công ban đầu của mô hình này đã và đang mở ra cho cộng đồng dân cư vùng đệm VQG Xuân Thủy một hướng phát triển sinh kế b

Từ Bến xe Mỹ Đình hay Giáp Bát của Hà Nội, du khách có thể đi xe khách tuyến Hà Nội- Giao Thủy để đến với Giao Xuân. Trên hành trình dài 150 km, đi qua nhiều làng quê giầu đẹp và trù phú, khách du lịch sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của các vùng quê nông thôn của đồng bằng Bắc Bộ. Khi đặt chân lên mảnh đất Giao Xuân hình ảnh đầu tiên mà du khách bắt gặp đó là một màu xanh trải dài bất tận của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, hình ảnh một làng quê ven biển trù phú, bên cạnh những ngôi nhà ngói, nhà bổi truyền thống là những căn biệt thự mới xây với kiểu dáng hiện đại tô điểm cho cảnh quan thêm sinh động, hữu tình.


Ban quản lý du lịch sinh thái cộng đồng của địa phương tiếp đón du khách tại trụ sở UBND xã trong không khí cởi mở và thân thiện, du khách được mời uống bát nước chè xanh đậm đà hương vị quê hương, ăn miếng trầu têm cánh phượng trong làn điệu dân ca mời trầu ngọt ngào, đằm thắm. Sau màn chào hỏi, đón tiếp xã giao, Ban quản lý phân công cho các nhóm cộng đồng như: nhóm nhà nghỉ, nhóm vận chuyển, nhóm văn nghệ, nhóm hướng dẫn viên... tổ chức công việc phục vụ tour du lịch sinh thái cộng đồng của du khách. Du khách sẽ được bố trí nghỉ tại nhà của các hộ dân tham gia nhóm nhà nghỉ và cũng tại đây du khách sẽ được phục vụ ăn uống với những bữa cơm gia đình hết sức đầm ấm cùng sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về ẩm thực của một miền quê ven biển đồng bằng Bắc Bộ, được thưởng thức các món ăn dân dã và các đặc sản của địa phương, có nhiều món ăn chỉ có ở nơi đây.


Ấn tượng nhất đối với du khách có lẽ là việc được tham gia chuyến xem chim Vườn Quốc gia Xuân Thủy tại bãi chim Xuân Châu. Vào mùa chim di trú, có tới hàng ngàn cá thể chim di trú quý hiếm thuộc hàng trăm loài khác nhau tụ tập về đây để làm tổ, kiếm mồi, nghỉ ngơi dưỡng sức sau cuộc hành trình trú đông dài cả chục ngàn cây số từ Phương Bắc xuống Phương Nam để tránh rét. Nhóm vận chuyển sẽ đón du khách bằng thuyền máy tại cống Cai Đề, sau đó thuyền sẽ đưa du khách len lỏi theo các kênh rạch vào trong các khu rừng ngập mặn xanh ngút ngàn tầm mắt, rộng đến hàng ngàn ha. Du khách sẽ được nhóm hướng dẫn viên (cũng là các cư dân địa phương) giới thiệu về sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được tận mắt chứng kiến các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân bản địa. Ra khỏi các khu rừng ngập mặn, thuyền gắn máy sẽ đưa du khách vào khu nuôi thả ngao vạng của những người dân địa phương. Trước mắt du khách là cảnh hàng trăm cái chòi mọc lên giữa cảnh trời nước bao la cùng với đó là hình ảnh từng đàn chim nước chao lượn kiếm mồi khiến cho cảnh vật càng thêm thơ mộng. Nếu có thời gian, du khách có thể ghé thăm một vài chòi vạng, trò chuyện với ngư dân, nghe họ kể về cuộc sông và công việc thường ngày của mình.



Đi khỏi vùng nuôi thả ngao vạng, thuyền máy đưa du khách cập vào triền cát thuộc đuôi đảo Cồn Lu. Một cảnh tượng kỳ thú của thiên nhiên hiện ra trước mắt du khách: từng bầy chim nước đang nhởn nhơ kiếm mồi, mỗi lần sóng đánh chúng lại bay lên chao liệng trên không trung, kêu ríu rít...Để quan sát kỹ bầy chim di trú, du khách cần chuẩn bị sẵn ống nhòm bởi bầy chim hoang dã rất khó có thể tiếp cận ở cự ly gần.
Kết thúc hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du khách có thể tham gia chuyến du khảo đồng quê. Bằng phương tiện xe đạp, du khách đi dọc theo tuyến đê biển để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, thăm bến cá Tiền Lang- Giao Hải vào buổi chiều về khi hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân đi đánh cá ngoài khơi xa trở về bến. Một cảnh tượng thật đông vui, nhộn nhịp: người mua, kẻ bán tấp nập, những khoang thuyền đầy ăm ắp cá cùng nét rạng rỡ  trên gương mặt đen sạm vì nắng gió biển cả của những người dân chài gan dạ, dũng cảm sau một chuyến đi biển đầy thử thách.

Du khách đi sâu vào các làng quê trù phú để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng dân cư đại phương: thăm làng nghề chế biến hải sản, tham dự phiên chợ quê tấp nập, cùng chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tôn giáo, thăm ngôi nhà bổi truyền thống với những công cụ lao động thủ công đã qua tay nhiều thế hệ hay hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa làng xã trong các dịp lễ hội để tận mắt chứng kiến và tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật, bơi chải, đi cà kheo có lịch sử hàng trăm năm từ thưở những cư dân đầu tiên đến vùng đất này với nghề chài lưới lập nghiệp mưu sinh...
Buổi tối, đối với các đoàn đông người, du khách sẽ được bố trí tham gia đêm giao lưu với nhóm văn nghệ của địa phương, thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà của đồng bằng Bắc Bộ và cùng nhảy múa trong ánh lửa bập bùng của đêm lửa trại sôi động...

Tạm biệt Giao Xuân, tạm biệt Vườn Quốc gia Xuân Thủy, trong lòng mỗi du khách mang bao tình cảm lưu luyến và đầy ắp những kỷ niệm khó quên bởi sự đón tiếp nồng hậu, cởi mở, mến khách của người dân, không khí trong lành, đầy nắng và gió của biển cả cùng những ấn tượng sâu sắc về cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa và hương vị đậm đà, độc đáo của những món ăn dân dã truyền thống.

Nguồn:http://giaoxuan.namdinh.gov.vn/xagiaoxuan/2330/32650/42496/89190/lang-nghe-truyen-thong/du-lich-sinh-thai-cong-dong-vqg-xuan-thuy-tai-xa-giao-xuan.aspx






        


Điện thoại: (844) 0350 3741501