Tín hiệu vui
Vào những năm 1980, loài cò thìa mặt đen (Platalea minor, còn gọi là cò mỏ thìa hay cò thìa) hầu như còn ít được thế giới biết đến. Một thập kỷ sau, khi cái tên của loài chim quý này được nhắc đến rộng rãi thì cũng là lúc chúng chỉ còn lại ít ỏi.
Nhờ sự cảnh báo của Tổ chức bảo tồn chim quốc tế cùng đối tác là Hiệp hội Chim hoang dã Trung Quốc, các nỗ lực bảo tồn loài cò thìa mặt đen đã được xúc tiến. Người ta đã đưa một số vùng di trú quan trọng của cò mỏ thìa vào danh sách bảo vệ. Số lượng chim dần hồi phục. Ngày nay, cò thìa mặt đen vẫn đang trong tình trạng "có nguy cơ bị tuyệt chủng", song đã có lúc trong quá khứ, chúng bị xếp ở bậc cảnh báo "nguy cấp", nghĩa là rất rất gần với "tuyệt chủng", biến mất khỏi tự nhiên.
Cuộc điều tra của Hiệp hội giám sát chim Hồng Kông cho biết trong mùa di trú vừa qua, các chuyên gia đã đếm được 2.346 cá thể cò thìa mặt đen, tăng 10% so với năm trước.
Cò thìa tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy./.
...nhưng không thể lơ là
"Mặc dầu vậy, đẩy lui cạm bẫy tuyệt chủng vẫn còn là thách thức phía trước." - Simba Chan, một chuyên gia của Tổ chức bảo tồn chim quốc tế tại châu Á, chia sẻ - "Cò thìa phụ thuộc vào các bãi triều trong tuyến di cư của chúng, mà các bãi triều này đang bị đe doạ nghiêm trọng khắp vùng Đông Á."
Xu hướng các quần thể cò thìa co cụm lại ở một vài điểm di cư cũng là nguyên nhân khiến các nhà bảo tồn lo lắng về nguy cơ lan truyền bệnh tật và rủi ro mất môi trường sống.
Còn nhớ, mùa đông năm 2002, 73 cá thể cò thìa trong hành trình di trú đã bị chết tại Đài Loan do bị ngộ độc thức ăn, tước đi 1/10 số lượng cò thìa của cả thế giới tại thời điểm bấy giờ.
Sau này, trong kế hoạch hành động triển khai công ước quốc tế về các loài di cư, người ta đã đề xuất đưa các điểm di trú của cò thìa vào danh sách các vùng bảo vệ.
Trong khuôn khổ Công ước quốc tế và các loài di cư, một chương trình bảo tồn quốc tế dành riêng cho cò thìa mặt đen mới đây đã được công bố, cùng với chương trình bảo tồn hai loài chim nguy cấp khác của châu Á là rẽ mỏ thìa (Eurynorynchus pygmeus) và nhàn mào Trung Quốc (Sterna bernsteini). Cả ba loài này đều có ở Việt Nam
Roger Jaensch, Giám đốc điều hành Chương trình hợp tác tuyến di cư Đông Á - Úc, phát biểu: "Giờ đây, thách thức của chúng ta là lôi kéo sự tham gia hợp tác của các chính phủ, các ngành công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, để biến kế hoạch hành động thành những kết quả bảo tồn cụ thể."
Cán bộ Vườn tiến hành kiểm kê Cò thìa hàng năm./.
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, khu RAMSAR đầu tiên của Việt Nam, là điểm di trú hiếm hoi của loài cò thìa mặt đen tại Việt Nam. Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn cho biết số lượng năm nay cò thìa về Vườn vào tháng 10 như thường lệ, với số lượng đếm được bằng năm ngoái, là 63 cá thể. Cho đến sáng ngày 25/3 cán bộ Vườn vẫn quan sát được 23 cá thể.
?xml:namespace>
Có những năm bất thường, cò thìa về sớm hơn, sớm nhất là tháng 8. Khoảng năm 1997, đàn cò thìa kéo về đông nhất, đếm được khoảng 75-80 con trong mùa di trú. Vào đầu những năm 2000, số lượng có suy giảm, chỉ khoảng 50 cá thể hàng năm.