Thực hiện kế hoạch
năm 2024 của dự án khoa học công nghệ về “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật ươm, sản xuất giống, xây dựng thử nghiệm mô
hình trồng hỗn giao cây Bần không cánh tại bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định”, được sự nhất trí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, ngày
2/10/2024, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tổ chức Hội thảo khoa học để đánh giá kết quả thực hiện dự án.
Toàn cảnh hội thảo khoa học
Thành phần tham dự Hội thảo khoa học gồm: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định; Chi cục Kiểm lâm Nam Định; Phòng Nông nghiệp huyện Giao Thủy; Vườn Quốc gia Xuân Thủy; Đại diện Lãnh đạo UBND, Hội Nông dân, Hội chữ thập đỏ và cộng đồng địa phương các xã vùng đệm: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.
Đ/c Doãn Cao Cường – Giám đốc
VQG Xuân Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo
Thảo luận và tiếp thu ý kiến hội
thảo
Thảo luận và tiếp thu ý kiến hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trần Huy Quang – Phó Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ Nam Định đánh giá cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đồng
thời biểu dương lãnh đạo và ban quản lý dự án đã hoàn thành xuất sắc các mục
tiêu đề ra. Đồng chí đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án tiếp tục chăm sóc,
theo dõi để hoàn thiện mô hình trồng hỗn giao làm cơ sở thực tiễn để chuyển
giao công nghệ gieo ươm và trồng cây Bần không cánh cho các chương trình trồng
và phục hồi rừng ngập mặn tại khu vực. Đồng
chí cũng gợi mở một số hướng nghiên cứu mới để nhân rộng kết quả dự án, trong
đó nên ưu tiên việc xây dựng thương hiệu “Cây giống ngập mặn Vườn quốc gia Xuân
Thủy” để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
cũng hoàn toàn nhất trí các kết quả mà dự án đã đạt được và cho rằng “Việc lựa
chọn cây Trang và cây Đước vòi để xây dựng mô hình trồng hỗn giao với cây Bần
không cánh là phù hợp; Mật độ trồng 1.667 cây/ha kết hợp với phương thức trồng
hỗn giao theo băng (05 hàng/băng), khoảng cách giữa các băng là 3,5m đã giúp
cho mô hình trồng hỗn giao cây Bần không cánh với cây Trang và mô hình trồng
cây Bần không cánh với cây Đước vòi có tỷ lệ sống cao, đạt trên 85%”.
Phát biểu kết luận
Hội thảo, đồng chí Doãn Cao Cường – Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy xin ghi nhận
và trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí đề nghị Ban
quản lý dự án, đồng chí Chủ nhiệm dự án ghi chép, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến
đóng góp nêu trên để sớm hoàn thiện các báo cáo chuyên đề và Hướng dẫn kỹ thuật
ươm giống, trồng cây Bần không cánh cho phù hợp với điều kiện bãi bồi ven biển
tỉnh Nam Định.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã đi tham quan thực tế mô hình sản xuất cây giống Bần không cánh và một số loài cây ngập mặn khác và mô hình trồng hỗn giao cây Bần không cánh tại khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định.
VQG Xuân Thủy