Ngày 07/9/2024, siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15-16. Đây là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Khu vực các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Do ảnh hưởng cơn bão số 3, từ hồi 10h đến 18h30 ngày 07/9/2024tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy chịu tác động trực tiếp với gió cấp 9-10, giật cấp 11-12 và kèm theo mưa lớn, trong thời gian bão lượng mưa trung bình khoảng 300mm. Cơn bão số 3 được đánh giá là một siêu bão, với tốc độ di chuyển chậm và thời gian tác động dài và được coi là cơn bão lớn nhất trong suốt 30 năm qua tại khu vực.

Trên cơ sở thông tin dự báo về cơn bão số 3 (Yagi) của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và căn cứ vào chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại các Công điện: số 23/CĐ-UBND ngày 03/9/2024, số 24/CĐ-UBND ngày 05/9/2024, số 25/CĐ-UBND ngày 06/9/2024 và văn bản số 862/UBND-VP3 ngày 05/9/2024 về khẩn trương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã chủ động thực hiện các giải pháp để ứng phó với bão và mưa lớn nhằm đảm bảo an toàn về người, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, kêu gọi bà con nhân dân có hoạt động sinh kế trong khu vực vào bờ và neo đậu tàu, thuyền an toàn;

- Phát ngọn và tỉa cành cây trồng phân tán trong khuôn viên Trung tâm hành chính của đơn vị;

- Sử dụng cọc tre, dây kẽm gia cố hệ thống cửa sổ, cửa chính của toàn bộ các nhà trong khuôn viên Trung tâm hành chính và các trạm quản lý bảo vệ tài nguyên tại Cồn Ngạn và Cồn Lu;

- Neo đậu và chằng buộc xuồng máy vào vị trí an toàn và chuẩn bị xăng để sẵn sàng vận hành xuồng máy tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu;

- Chuẩn bị đèn pin, máy phát điện và các nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ cho việc phòng chống bão.

 Trong thời gian bão đổ bộ, đơn vị đã duy trì chế độ trực bão 24/24 với phương châm 4 tại chỗ nhằm kịp thời xử lý sự cố và các vấn đề phát sinh khi bão đổ bộ vào. Lực lượng tham gia trực bão gồm có Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban lãnh đạo và các đồng chí nam giới trong các phòng ban của đơn vị. Lực lượng này đã duy trì chế độ trực từ 18h00 ngày 06/9/2024 đến 10h00 ngày 08/9/2024.

 Ngay sau khi bão tan, đơn vị đã thống kê đánh giá thiệt hại sau bão và phối hợp với Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải tổ chức kiểm tra đánh giá thiệt hại về tài nguyên rừng và bãi bồi tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. Kết quả, đơn vị không có thiệt hại về người nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng gồm: hệ thống điện hạ thế, hệ thống cột điện chiếu sáng trong khu hành chính, cây xanh bóng mát bị đổ gãy; cửa kính của một số tòa nhà bị hư hỏng; phần lớn rừng trồng phi lao trong khuôn viên Trung tâm hành chính của đơn vị đã bị gãy cành, ngọn và bật gốc; Diện tích rừng ngập mặn tại khu vực không bị ảnh hưởng, chỉ có một số cây Bần chua, Bần không cánh bị gãy cành.

 Từ ngày 8 - 12/9/2024, sau khi bão kết thúc đơn vị đã huy động cán bộ, viên chức, người lao động, cộng đồng địa phương và lực lượng biên phòng tổ chức thu dọn, vệ sinh khu Trung tâm hành chính, Trạm bảo vệ tài nguyên môi trường Cồn Ngạn và Cồn Lu để nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động chuyên môn của đơn vị. Các hoạt động cụ thể như sau:

- Thuê khoán lao động, thiết bị, máy móc để cắt cành, gốc các cây bóng  mát bị gãy đổ nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện và phục vụ cho giao thông đi lại.

- Tổ chức khơi thông cống rãnh để tiêu thoát nước đối với diện tích sân, đường bị ngập úng.

- Phối hợp với Điện lực Giao Thủy dựng lại cột điện bị đổ gãy, kiểm tra rà soát an toàn hệ thống đường điện trong khuôn viên để sớm có điện phục vụ công tác chuyên môn và sinh hoạt của đơn vị.

- Đối với diện tích rừng phi lao trong khuôn viên trụ sở bị gãy đổ, bước đầu đơn vị đã phát dọn những cây bị đổ ra đường để phục vụ giao thông đi lại.

- Đối với rừng phi lao dọc mà ngoài Cồn Lu thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái bị gãy cành, ngọn, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, khoanh vùng các khu vực bị thiệt hại; đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm lâm, biên phòng tổ chức tuần tra, bảo vệ thường xuyên.


Một số hình ảnh ghi lại tại khu hành chính VQG Xuân Thủy:





Một số hình ảnh Cán bộ VQG Xuân Thủy phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, thống kê, báo cáo nhanh tình hình thiệt hại sau bão:




 Lãnh đạo VQG Xuân Thủy đề nghị công chức, viên chức, người lao động đơn vị phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời tiết khắc phục hậu quả sau bão, sớm ổn định trụ sở đơn vị, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao./.

                            

                                                                             VQG Xuân Thủy


        


Điện thoại: (844) 0350 3741501