Bộ TN&MT vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN.

Ngày 4/12/2023, UBND tỉnh Nam Định gửi văn bản số 957 tới Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) về việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN (Khu AHP).

Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập theo Quyết định số 01/2003 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở điều chuyển từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy.

Bộ TN&MT trình Thủ tướng đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ TN&MT trình Thủ tướng đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng diện tích tự nhiên của Vườn là hơn 7.110 ha, trong đó có 6.166 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với 89% diện tích phân bố rừng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy được coi là vùng đất ngập nước điển hình tại khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam và là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận là khu Ramsar vào năm 1988. Vùng lõi của Vườn có tầm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi sinh sống, trú ngụ của 1.656 loài động, thực vật, trong đó có 1 loài thực vật, 2 loài thú, 8 loài cá, 8 loài bò sát, 32 loài chim, 1 loài sam biển trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2022). Đây cũng là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á (EAAFP).

Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sản, loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực.

VQG Xuân Thủy là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu của đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á. Ảnh: Tùng Đinh.

VQG Xuân Thủy là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu của đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á. Ảnh: Tùng Đinh. 

Những năm qua, Vườn đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và hỗ trợ tạo lập sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu vực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên.

Việc đề cử thành Khu AHP góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển của Vườn quốc gia Xuân Thủy, đồng thời nâng cao giá trị, vị thế của đơn vị trong khu vực Đông Nam Á.

Vườn quốc gia Xuân Thủy đáp ứng 12 tiêu chí

Ngày 18/12/2023, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 3900 về việc thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề cử danh hiệu Khu AHP cho Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Nam Định và các chuyên gia trong lĩnh vực.

Ngày 18/1/2024, Hội đồng thẩm định đã tiến hành họp rà soát, đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy và thông qua hồ sơ đề cử, đề nghị Vườn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử theo các góp ý của thành viên hội đồng.

Cò mỏ thìa - động vật quý hiếm tại VQG Xuân Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

Cò mỏ thìa - động vật quý hiếm tại VQG Xuân Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Tiếp đó, Hội đồng thẩm định đã có báo cáo thẩm định hồ sơ và đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Khu AHP cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 08/2022 về trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận và đáp ứng tiêu chí về Khu AHP của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN; tiến hành bỏ phiếu thông qua hồ sơ thẩm định đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Khu AHP với kết quả 9/9 phiếu thành viên biểu quyết nhất trí thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung (tổng điểm 246,6; điểm trung bình 27,4) (báo cáo thẩm định gửi kèm theo).

Đến ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Nam Định đã hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định kèm theo bản nhận xét đối với hồ sơ đã chỉnh sửa của hai Ủy viên phản biện hội đồng (GS.TS. Trương Quang Hải và PGS.TS. Lê Xuân Cảnh nhất trí thông qua hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy thành Khu AHP.

Theo báo cáo thẩm định, Hội đồng thẩm định đánh giá hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Khu AHP cơ bản đáp ứng 12 tiêu chí về Khu AHP của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN.

VQG Xuân Thủy là nơi di trú của các loài chim quý hiếm...

VQG Xuân Thủy là nơi di trú của các loài chim quý hiếm...

và là nơi mưu sinh của cộng đồng bản địa. Ảnh: Tùng Đinh.

và là nơi mưu sinh của cộng đồng bản địa. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Hội đồng thẩm định, Vườn quốc gia Xuân Thủy đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái điển hình khu vực đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam; được quản lý, bảo tồn và có ranh giới diện tích rõ ràng trên bản đồ và được cắm mốc trên thực địa. Các hệ sinh thái không bị xâm hại, không bị tác động làm suy giảm về thay đổi cấu trúc tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, các giá trị bảo tồn; là nơi sinh sống của 1.656 loài động, thực vật, trong đó có 222 loài chim.

Vườn có 7 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, trong đó có hệ sinh thái bãi triều lầy có rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn tại khu vực có diện tích lớn và có sự đa dạng về các kiểu quần xã thực vật và số loài cây ngập mặn. Đây cũng là khu vực có sự xuất hiện và duy trì thường xuyên của 7 kiểu quần xã thực vật và là sinh cảnh sống quan trọng của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Sự đa dạng về các loài động vật, đặc biệt là các loài thủy sản đã giúp Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng đất ngập nước có năng suất sinh học lớn nhất tại khu vực châu thổ sông Hồng. Đây được coi là ga chim lớn của khu vực phía Bắc với 222 loài, thuộc 42 họ của 12 bộ. Đợt khảo sát năm 1988 và 1994 đã quan sát được trên 20.000 cá thể, mùa xuân năm 1996 đã quan sát trên 33.000 cá thể.

Rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

Rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy. Ảnh: Tùng Đinh.

Địa hình tự nhiên tại Vườn quốc gia Xuân Thủy được kiến tạo theo quy luật bồi tụ và xói lở của vùng cửa sông ven biển châu thổ sông Hồng. Kết quả theo dõi diễn biến rừng tại khu vực trong 5 năm trở lại đây cho thấy đã có 113,05 ha rừng ngập mặn bị chết và bị suy thoái được phục hồi, 114,16 ha diện tích rừng ngập mặn và rừng phi lao được tái sinh tự nhiên.

Năm 1988, vùng đất ngập nước thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ chính thức được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đặc biệt, sự tham gia của Vườn quốc gia Xuân Thủy vào công ước Ramsar đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của công ước này. Vườn được UNESCO công nhận là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng vào tháng 12/2004.

Rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy là bể chứa carbon lớn của khu vực. Các nghiên cứu đã cho thấy hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn có khả năng tích lũy 14,32 tấn carbon/ha/năm, trong đó carbon tồn lưu dưới mặt đất chiếm tỷ lệ trên 81% tổng giá trị carbon tích lũy.

Trên cơ sở hồ sơ pháp lý nêu trên, ngày 22/8/2024, Bộ TN&MT đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định là Vườn Di sản ASEAN (Khu AHP).

Kiên Trung- Báo Nông Nghiệp

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501