Từ kết quả thẩm định, đánh giá theo 12 tiêu chí Vườn Di sản ASEAN, Bộ TN và MT trình Thủ tướng Chính phủ: Xem xét thông qua chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN; giao Bộ TN và MT làm đầu mối gửi hồ sơ đề cử đến Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, tiến hành các thủ tục tiếp theo để công nhận Vườn Di sản ASEAN đối với VQG Xuân Thủy.

Ngày 22/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) đã có Tờ trình số 79/TTr-BTNMT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đề cử Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định là Vườn Di sản ASEAN.

Theo Tờ trình, Bộ TN và MT là đơn vị đầu mối hướng dẫn, đề cử các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam để công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Thực hiện Điều 20, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận, Bộ TN và MT đã tiến hành thẩm định hồ sơ đề cử danh hiệu Vườn Di sản ASEAN đối với VQG Xuân Thủy.

Sau quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá VQG Xuân Thủy cơ bản đáp ứng 12 tiêu chí về Vườn Di sản ASEAN của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, bao gồm: Tiêu chí tính toàn vẹn về sinh thái; tiêu chí tính đại diện; tiêu chí tính tự nhiên; tiêu chí tầm quan trọng của tính bảo tồn cao; tiêu chí khu vực đề cử đảm bảo về tính pháp lý; tiêu chí kế hoạch quản lý được phê duyệt; tiêu chí tính xuyên biên giới; tiêu chí tính độc đáo; tiêu chí có ý nghĩa về sinh học dân tộc; tiêu chí có tầm quan trọng về giá trị đa dạng sinh học và tính nguy cấp; tiêu chí có các bên tham gia vào quá trình quản lý; tiêu chí cấu trúc Ban quản lý khu bảo tồn phù hợp, có đủ cán bộ với trình độ phù hợp.

Tính phù hợp của VQG Xuân Thủy theo các tiêu chí đề cử Vườn Di sản ASEAN có thể tóm tắt như sau: VQG Xuân Thủy được thành lập theo Quyết định số 01/2003/QĐTTg ngày 2/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. VQG Xuân Thủy là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định.

Tổng diện tích tự nhiên được giao quản lý là 7.110,08 ha; trong đó có 6.166ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với 89% diện tích rừng được phân bố tại đây. Tổng diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ là 1.059,58 ha rừng; trong đó có 946,09 ha rừng ngập mặn và 113,49 ha rừng trên. VQG Xuân Thủy được coi là vùng đất ngập nước điển hình tại khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam.

Đây là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận là khu Ramsar vào năm 1988 và là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng. Là nơi sinh sống, trú ngụ của 1.656 loài động, thực vật; trong đó có 1 loài thực vật, 2 loài thú, 8 loài cá, 8 loài bò sát, 868 loài chim, trong đó có 32 loài chim nguy cấp, quý, hiếm cấp quốc gia và cấp toàn cầu, 1 loài sam biển trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2022) và Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh lục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đây được đánh giá là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay của chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP). VQG Xuân Thủy được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sản, loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực. Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và hỗ trợ tạo lập sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu vực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư với các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Việc đề cử thành Vườn Di sản ASEAN góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển của VQG Xuân Thủy, nâng cao giá trị, vị thế của đơn vị trong khu vực Đông Nam Á.

Từ kết quả thẩm định, đánh giá theo 12 tiêu chí Vườn Di sản ASEAN, Bộ TN và MT trình Thủ tướng Chính phủ: Xem xét thông qua chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN; giao Bộ TN và MT làm đầu mối gửi hồ sơ đề cử đến Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, tiến hành các thủ tục tiếp theo để công nhận Vườn Di sản ASEAN đối với VQG Xuân Thủy./.


Thanh Thúy- Báo Nam Định


        


Điện thoại: (844) 0350 3741501