Một trong số loài chim di cư quý hiếm tới Vườn Quốc gia Xuân Thủy hàng năm và cũng là biểu tượng đại diện cho vườn là cò mỏ thìa quý
hiếm (tên khoa học Platalea minor). Loài này được xếp vào cấp EN - nguy cấp
theo sách đỏ được lập bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế - IUCN.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy, khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, là
điểm di trú hiếm hoi của loài cò mỏ thìa mặt đen tại Việt Nam. Đây cũng là nơi
cư ngụ của một số loài chim rất hiếm và đang bị đe doạ như cò mỏ thìa, rẽ mỏ
thìa, cò trắng Trung Quốc…
Hằng năm, mùa chim di cư kéo dài từ tháng 9 năm
trước đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm các loài chim ở phương Bắc di chuyển
xuống phía Nam để tránh rét và Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một điểm dừng chính của
chúng. Theo ghi nhận của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy, vào mùa, có hàng
vạn cá thể chim về sinh sống, kiếm ăn tại các khu vực đầm lầy, đất ngập nước của
vườn.
Trong số đố, cò mỏ thìa là loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc Phụ lục I của Nghị định số
64/2019/NĐ-CP về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về
tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Nhắc đến cò mỏ thìa, không thể không nhắc đến
Vườn Quốc gia Xuân Thủy, đây tồn tại một quần thể cò mỏ thìa lớn nhất Việt Nam.
Theo ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, cò mỏ thìa là loài
chim đặc trưng của vùng đất ngập nước và nằm trong danh sách quý hiếm cần được
theo dõi và bảo tồn.
Theo anh Lê Tiến Dũng, nhân viên Phòng Bảo tồn
Tài nguyên và Môi trường, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, mùa chim di cư năm 2023-2024
ghi nhận lượng cò mỏ thìa lớn nhất từ trước đến nay về vườn tránh rét, 103 cá
thể.
Theo các cán bộ của vườn, cò mỏ thìa xuất xứ ở
Bắc Triều Tiên, Nga, thường bay về đây để tránh lạnh đến hết tháng 4 sau đó di
chuyển lên phương Bắc. Ở đâu xuất hiện cò mỏ thìa, ở đấy có nguồn thức ăn dồi
dào, phong phú. Nó được coi như loài chỉ thị, là đỉnh của chuỗi dinh dưỡng.
Di cư về Việt Nam vào mùa đông, cò mỏ thìa kiếm ăn ở bãi ngập
triều ven biển ở các cửa sông. Thức ăn là cá, động vật thủy sinh nhỏ khác. Trên
thế giới, loài này xuất hiện tại Triều Tiên, phía nam Nhật Bản, dọc khu vực biển
phía đông Trung Quốc. Số lượng cò mỏ thìa trên toàn cầu hiện chỉ dừng ở khoảng
trên 5.000 cá thể.
Ngoài cò mỏ thìa, Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn
là nơi tập hợp, trú chân của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa
đông. Trên con đường di trú vạn dặm, nhiều loài chim, cò đã chọn nơi đây làm
nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng chờ những mùa sinh trưởng sau.
Theo thống kê của vườn, có 222 loài chim sinh sống ở đây, chủ
yếu là chim nước, với hơn 100 loài chim di cư, cùng nhiều loài có tên trong
sách đỏ thế giới như: Rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò mỏ thìa, choi choi mỏ thìa, mòng
biển…
Nguồn: Báo nông nghiệp