Cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng Đông Nam, Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, nơi sông Hồng đổ ra biển (gọi là cửa Ba Lạt) và có ranh giới phía Nam là sông Vọp.
Vườn có diện tích vùng bảo tồn rộng 7.100 ha, bao gồm vùng bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh và vùng đệm. Theo Ban quan lý, Cồn Ngạn có diện tích lớn nhất ở vườn quốc gia, với các đầm nuôi trồng thủy sản và hầu hết có rừng ngập mặn bao phủ.
Cồn Lu gồm một bãi cát rộng, cùng các bãi bồi lầy và diện tích nhỏ các đầm nuôi trồng thủy sản.
Thực vật bậc cao có mặt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy có 192 loài, thuộc 145 chi của 60 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước để cấu thành hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng nghìn hecta.
Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực.
Trong khu vực Vườn quốc gia, nơi cao nhất chỉ 3m, mực nước sâu nhất khoảng 6m. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh có giá trị cao, cùng các loài động thực vật hoang dã, và đặc biệt là các loài chim di cư quý hiếm. Ảnh: Vũ Mừng
Hệ động vật nổi và động vật đáy ở đây có trên 500 loài. Đa số các loài động vật đáy là những loài rộng muối, chịu được sự chênh lệch về nồng độ muối. Mật độ và sinh khối của các loài động vật đáy trong rừng ngập mặn khá đa dạng, phong phú, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.
Nguồn: Thiên nhiên yên bình trong vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định (laodong.vn)