Hiện nay phá rừng trái phép dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau đang diễn ra rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý. Đây là vấn đề mang tính xã hội cao, để giải quyết vấn nạn này không đơn thuần là giải pháp riêng biệt của một ngành, một lĩnh vực mà cần có những giải pháp tổng hợp với sự tham gia của nhiều ngành chức năng.

Những năm vừa qua, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được thực hiện như chương trình 132, 134, 135 đã có tác động tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của các vùng nông thôn, miền núi, song vẫn chưa giải quyết được triệt để nạn phá rừng. Với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về quản lý bảo vệ rừng trong những năm gần đây, nhận thức của đa số người dân về hành vi này đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã biết phá rừng trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ gây hại về môi trường. Tuy nhiên, do tác hại của phá rừng không diễn ra ngay nên người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không quan tâm đến cái hại lâu dài. Hơn nữa, các hình thức xử phạt và chế tài của luật pháp vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người vi phạm là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, không có khả năng chấp hành các quyết định xử phạt, dẫn đến nhiều vụ việc không xử lý triệt để, do vậy tính giáo dục và răn đe chưa được đề cao. Chính vì vậy, tình trạng phá rừng trái phép vẫn tiếp tục xảy ra dưới mọi hình thức. Vậy, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này? Bài viết này muốn đưa ra một số giải pháp cùng trao đổi với bạn đọc cả nước để công cuộc bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả.

 

Giải pháp về chính sách: Những năm qua, chúng ta đã thực hiện một số chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến lâm, giao đất giao rừng và thực hiện các chính sách hưởng lợi từ rừng cho người dân miền núi. Tuy nhiên, vẫn cần có các chính sách hỗ trợ khác như: Tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông lâm kết hợp, chế biến và bảo quản nông sản... Tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp để đáp ứng nhu cầu cho công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Nhanh chóng xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp theo phương thức tiếp cận dựa vào cộng đồng, trong đó mọi người dân đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, từ đó sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng. Đó được xem như chính sách huy động tổng lực sức dân cho công tác bảo vệ rừng. Để làm được điều đó cần phải tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Cần phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp với vai trò là bà đỡ cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nông lâm kết hợp cùng với các ngành như: khuyến nông khuyến lâm, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân.

 

Về phía chính quyền, các ngành chức năng phải làm tốt công tác truyền thông, cung cấp cho người dân những hiểu biết, thông tin thiết thực phục vụ quá trình sản xuất, hướng dẫn để người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Các ngành chức năng, nhất là những ngành tham gia trực tiếp vào quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ rừng như Kiểm lâm, Công an phải có chính sách phù hợp nhằm nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ. Cùng với tăng cường về biên chế, các trang thiết bị chuyên dụng phải chú trọng những kỹ năng cơ bản khác như tuyên truyền, vận động nhân dân, kỹ năng về khuyến nông khuyến lâm và các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ khác. Nhà nước cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút và khuyến khích cán bộ công chức ngành chức năng gắn bó với địa phương, yêu ngành yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ rừng.

 

Những giải pháp về kinh tế, xã hội nêu trên với mục đích nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân, giảm dần áp lực của người dân vào rừng, tạo cho người dân thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế các sản phẩm truyền thống lâu nay vẫn lấy từ rừng, đồng thời, tạo sự phát triển bền vững cả về mặt sinh thái môi trường cũng như về kinh tế, giúp người dân hưởng lợi từ rừng một cách lâu dài và khoa học.

 

Giải pháp về tổ chức thực hiện: Các cấp chính quyền, các chủ rừng phải xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hoạt động và phương án bảo vệ rừng từng năm, từng giai đoạn trên phạm vi địa phương mình quản lý. Các chủ rừng cần chú trọng tăng cường lực lượng và trang thiết bị đủ mạnh để bảo vệ rừng, đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả đối với diện tích rừng đã được giao. Lực lượng kiểm lâm cũng cần phải được củng cố và đổi mới hoạt động nhằm làm tốt công tác tham mưu giúp chính quyền cơ sở xây dựng và triển khai các phương án, biện pháp, kế hoạch bảo vệ rừng. Duy trì và tổ chức hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng có hiệu quả. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách về hưởng lợi của người dân từ rừng. Các biện pháp bảo vệ rừng phải được xây dựng trên cơ sở gắn với các hoạt động phát triển rừng và hướng tới cộng đồng.

 

Hệ thống các biện pháp bảo vệ rừng đang được áp dụng hiện nay và vẫn phát huy hiệu quả tốt đó là tuyên truyền, quy hoạch, hoạch quản lý và sử dụng đất đai, nhất là đất lâm nghiệp, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, xây dựng và thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo giai đoạn và theo từng năm, làm tốt chính sách giao đất, giao rừng, kết hợp chặt chẽ với khuyến nông khuyến lâm. Thực hiện tốt các dự án về xóa đói giảm nghèo, về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế xã hội cho người dân miền núi. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Làm tốt công tác phối kết hợp giữa 3 lực lượng kiểm lâm, quân đội và công an trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

 

Một phương án bảo vệ rừng có tính khả thi, hợp lý và hiệu quả chính là biết lợi dụng nhiều yếu tố, kết hợp với nhiều bên tham gia, phương thức hoạt động đa dạng, chủ động, phù hợp với hoàn cảnh từng vùng, từng khu vực. Muốn vậy, phải xác định được các vùng trọng điểm, các điểm nóng về vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, về cháy rừng… để có phương án cụ thể. Các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng cần được đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với chiến lược thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, chữa cháy rừng mang tính chuyên nghiệp, kịp thời ứng phó và xử lý mọi tình huống xảy ra. Lực lượng này có sự phối hợp từ nhiều ngành như Kiểm lâm, Quân đội, Công an và chính quyền địa phương ....

 

Giải pháp về kỹ thuật: Các giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực phát triển rừng như trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, nông lâm kết hợp. Cần nghiên cứu chọn loại cây trồng phù hợp với từng địa phương, đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như môi trường. Nên chọn cách trồng rừng hỗn giao để phòng cháy, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật xây dựng băng xanh cản lửa và các kỹ thuật tiến bộ khác trên nguyên tắc các vùng rừng tập trung được quy hoạch hợp lý và khoa học. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp dự báo cháy rừng theo độ ẩm của vật liệu cháy cho rừng thông. Đối với các khu rừng cần phục hồi phải tiến hành chăm sóc, phát dây leo tạo điều kiện để rừng sinh trưởng và phát triển nhanh, mặt khác làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công tác chữa cháy rừng dần dần thay thế phương pháp thủ công hiện đang áp dụng. Nghiên cứu các vật liệu xây dựng thay thế gỗ từ rừng tự nhiên. Khuyến khích việc sử dụng các loại sản phẩm đó để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gỗ và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

 

Kinh nghiệm thực tiễn: Đó là phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng. Gắn trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của các cấp chính quyền và đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng. Tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về xâm hại tài nguyên rừng. Dựa vào nhân dân để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phải quán triệt phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả. Xây dựng và duy trì hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại các địa phương. Có chính sách khen thưởng và động viên kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Song cơ bản nhất vẫn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững và có hiệu quả lâu dài, có như vậy mới mong hạn chế và ngăn chặn được tình trạng phá rừng trái phép, xâm hại tài nguyên rừng hiện nay.

 

 

 

Phạm Dục Tú

 

Chi cục Kiểm lâm Kon Tum

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501