Rừng cung cấp cho con người dưỡng khí, lương thực, thực phẩm. Mỗi năm, mỗi người cần tới 4.000kg O2 để thở, toàn nhân loại sử dụng khoảng 0,6% sản phẩm quang tổng hợp (tương đương 0,6 tỷ tấn) và khoảng 1 triệu tấn thực phẩm có nguồn gốc từ rừng để phục vụ đời sống (Guering ).
Rừng cung cấp nguyên, nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp cũng như sinh hoạt hằng ngày. Trước hết phải kể đến gỗ. Gỗ để đóng tàu thuyền, để đốt, làm trụ mỏ, sản xuất giấy, vải, đóng đồ dùng, các sản phẩm hóa học...
Rừng là nguồn dược liệu vô giá. Từ ngàn xưa, con người đã khai thác các sản phẩm của rừng để làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Ngày nay, nhiều quốc gia đã phát triển ngành khoa học “dược liệu rừng” nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn dược liệu vô cùng phong phú của rừng và tìm kiếm các phương thuốc chữa bệnh nan y.
Rừng là chiếc “máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, là lá phổi xanh của trái đất. Ngoài vai trò sản xuất oxy và các hợp chất hữu cơ - cơ sở của sự sống động vật, quá trình quang tổng hợp của cây xanh là tác nhân chính làm cân bằng lượng CO2 được thải ra từ các quá trình phun trào núi lửa, phân hóa đá vôi, phân hủy xác động, thực vật và các hoạt động sống của con người. Điều này đã giảm thiểu nguy cơ “hiệu ứng nhà kính” mà các nhà khoa học đã tính toán rằng, chỉ riêng việc sử dụng hết các mỏ nhiên liệu trên trái đất, lượng CO2 sẽ tăng lên so với lúc chưa sử dụng 170%, nếu không có rừng và các đại dương, nhiệt độ trái đất lúc đó sẽ tăng tới mức băng ở hai cực trái đất sẽ tan chảy làm mực nước đại dương sẽ dâng cao thêm 120m (Revelle). Hãy tưởng tượng lúc đó sẽ ra sao khi mà mực nước biển chỉ dâng cao hơn hiện tại 1m thì nhiều quốc gia đã biến mất, Việt Nam đã bị ngập 40.000km2 và 22 triệu dân mất nhà ở (IPCC - Bali, 12/2007)!
Rừng trực tiếp ngăn gió bão, lũ lụt. Hàng năm, nhiều tỷ tấn nước bốc hơi từ sông, suối, hồ và đại dương tạo thành mây rồi lại mưa trở về trái đất. Chính nhờ thảm cây xanh và thảm thực bì của vỏ trái đất mà lượng nước khổng lồ đó được hút vào bộ rễ để rồi bốc hơi qua tán lá (khí khổng), phần còn lại được ngấm từ từ vào đất tạo ra các mạch nước ngầm. Sự xói mòn, rửa trôi, các quá trình Feralite hóa, Potzon hóa không những bị hạn chế mà cùng với sự mùn hóa các phế thải hữu cơ bởi các vi sinh vật, động vật đất và nấm làm cho đất ngày càng màu mỡ, cơ sở cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Rừng còn là nhà của muôn loài. Trên trái đất có khoảng 1,4 triệu loài sinh vật đã được phát hiện. Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 275 loài thú, 5.500 loài côn trùng...; khoảng 80% trong số đó thuộc về hệ sinh thái rừng. Sự đa dạng sinh học của rừng chính vì vậy còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với khoa học và cảnh quan du lịch…
Lợi ích của rừng đối với sự tồn, vong của loài người có lẽ không còn phải bàn luận. Vậy mà, nhiều thế kỷ qua, có thể do thiếu ý thức, kiến thức, thiếu kinh nghiệm hoặc vì những lợi ích trước mắt, việc khai thác các giá trị của rừng một cách “không nghĩ tới tương lai” đã làm cho rừng bị tàn phá, hủy hoại và là một trong những nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Biết bao khu vực trước kia là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn như vùng Cận Đông, quần đảo Madagaxca... thì nay 90% đất đai đã bị sa mạc hóa. Nhiệt độ trái đất đang ngày một tăng; những bất thường của thời tiết, bão, lũ lụt, hạn hán ngày một triền miên, dịch bệnh phát sinh, danh mục các loài tuyệt chủng và đe dọa tuyệt chủng ngày một dài thêm. Một thông báo khoa học ngày 12/9/2007 đã cảnh báo, 25% loài động vật có vú, 20% loài chim, 33% loài lưỡng cư, 70% loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa bị xóa sổ. Hàng năm, khoảng 3 triệu người bị chết vì thiếu nước sạch, dịch sốt rét và tiêu chảy mà nguyên nhân sâu xa là do biến đổi khí hậu (WHO). Trong thập niên 50 thế kỷ XX, tổn thất do thiên tai là 4 tỉ USD/năm, thập niên 90/XX là 40 tỉ USD/năm (WMO) và trong vòng 15-20 năm nữa 20% thành quả kinh tế của con người sẽ tiêu tan nếu không có biện pháp tích cực đối phó với những biến đổi của khí hậu (Nicholas Stem - IPCC, Nairobi, 2006)
Tại Việt Nam, những năm đầu thế kỉ XX, độ che phủ của rừng nguyên sinh vào khoảng 70%, giữa thế kỷ còn 43%, đến những năm 1979 - 1981 chỉ còn 24% (Viện Điều tra quy hoạch rừng). Những động vật quí hiếm như tê giác trước đây phân bố với mật độ cao suốt dọc dải Trường Sơn từ Tây Bắc đến Miền Đông Nam Bộ mà nay chỉ còn khoảng 6 đến 7 cá thể loài một sừng (Rh. sondaicus) tồn tại trong một quần thể nhỏ ở Cát Tiên, Lâm Đồng (IUCN); trong hơn 10 năm trở lại đây, 4 loài động vật, 5 loài thực vật đã hoàn toàn biến mất. Dọc theo chiều dài đất nước từ Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đến Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau... hạn hán và bão lũ cứ thay nhau với tần xuất, cường độ ngày một khủng khiếp gây thiệt hại thảm khốc. Năm 2007, thiệt hại vật chất là 11.600 tỉ đồng, chết và mất tích 415 người. Năm 2008, chỉ 6 tháng đầu năm thiệt hại là 814 tỉ, riêng thủ đô Hà Nội với trận lụt lịch sử tháng 11 “ngập chìm trong nước” thiệt hại vật chất đã hơn 3.000 tỷ đồng, 20 người chết.
Sự biến đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với loài người (K. Kivutha - Chủ tịch IPCC/2006). Hơn lúc nào hết, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng, cấp bách không của riêng quốc gia nào mà của toàn nhân loại.
Việt Nam - ngay từ những ngày đầu dựng nước, Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh số 142/SL ngày 21/12/1949 quy định việc kiểm tra, kiểm soát, lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ rừng. Có thể nói đó là những “nguồn” đầu tiên của pháp luật quản lý - bảo vệ rừng. Kể từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự xuất hiện với vai trò ngày càng tăng của các chính sách cho đầu tư phát triển rừng, của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng, sự tham gia vào các công ước quốc tế... cùng với những biện pháp chỉ đạo thực thi quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền là biểu hiện rõ nét cho sự cấp bách đó.
Những nỗ lực của chúng ta mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, độ che phủ của rừng những năm gần đây đã tăng (từ 24%/1981 lên 38,2%/2007) song chủ yếu là rừng trồng, rừng non. Rừng giàu, rừng nguyên sinh tiếp tục bị suy giảm, bị tàn phá ghê gớm? Nạn khai thác, buôn bán động thực vật hoang dã trái pháp luật vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng? Các số liệu về rừng bị tàn phá ở Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Nam, Lâm Đồng, Thanh Hóa... khắp nơi còn nóng hổi? Hàng năm, chỉ riêng số rùa và têtê bị bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái và Lạng Sơn đã vào khoảng 3 triệu USD (by Le Dien Duc, S. Broad, J. Compton - W.W.F). Những đầu nậu “lừng danh” về buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ở một số địa phương khi nói tới ngay cả đến người dân thường cũng biết vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Một số liệu thống kê, tại một làng nghề ở một tỉnh phía Bắc, trung bình một năm, lượng gỗ quý hiếm nhập về cho sản xuất hàng mỹ nghệ khoảng 6.500m3, trong đó có khoảng 1.500m3 là không có nguồn gốc rõ ràng?!.. Các vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ, xử lý so với những con số trên quả thật vô cùng “khiêm tốn”!
Để có thể đạt được mục tiêu độ che phủ của rừng đạt 43% vào 2010 và đạt trên 45% (độ an toàn môi trường) vào những năm tiếp theo một cách bền vững, nên chăng, cần có những khảo sát, nghiên cứu toàn diện, khoa học cho một chiến lược bảo vệ và phát triển rừng không phải chỉ 10 - 15 năm mà phải 50 - 60 năm với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý; các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, thành phần kinh tế; những người trực tiếp làm công việc thừa hành pháp luật quản lý, bảo vệ rừng?.. Trong đó, những vấn đề rất cụ thể phải được xem xét, đánh giá trong một tổng thể thống nhất của sự phát triển kinh tế đất nước (chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu tổ chức và năng lực chiến đấu của các lực lượng bảo vệ rừng, vấn đề buôn lậu và truy quét tội tội phạm, các yếu tố liên quan đến những biến đổi của hệ sinh thái rừng, các chính sách đầu tư phát triển rừng, giải quyết đời sống cho nhân dân vùng rừng, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế phù hợp với phát triển rừng bền vững...)? “Rừng là vàng, nếu ta biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý!” và, còn hơn thế nữa... một khi con người không còn trên trái đất này thì vàng có nghĩa là bao!
Nguồn: Cục Kiểm lâm