Nhằm hạn chế tác động xấu của việc khai thác tài nguyên lên vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, người dân vùng đệm đã được khuyến khích phát triển các mô hình sinh kế bền vững và thân thiện với môi trường, trong đó, mô hình trồng nấm, nuôi ong, với hoạt động sản xuất và tiêu thụ tập trung, dưới hình thức câu lạc bộ, đã và đang thu được kết quả khả quan. VQG Xuân Thủy được thiên nhiên ưu ái ban phát cho một nguồn tài nguyên dồi dào với tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.100 ha. Nơi đây có hệ động, thực

Thời gian trước đây, kinh tế biển là một nguồn thu nhập lớn đối với nhiều hộ gia đình muốn vươn lên thoát nghèo ở vùng đất thuần nông này. Chính vì thế, các biện pháp khai thác tận thu và hủy diệt phát triển rầm rộ bất chấp sự ngăn cấm của Ban Quản lý vườn cũng như chính quyền địa phương. Nghề nuôi tôm và nuôi ngao vạm đã xuất hiện lẻ tẻ từ những năm trước 2000 xung quanh VQG Xuân Thủy. Một số hộ gia đình nhanh chóng thoát nghèo trở thành tỷ phú. Từ đó, phong trào nuôi tôm, nuôi ngao, vạm tự phát “nở rộ”. Vài năm đầu, đa phần các hộ nuôi đều trúng lớn, nên các hộ gia đình đổ xô đi đấu thầu đầm nuôi tôm, khu vực nuôi ngao, vạng chủ yếu tại các xã Giao Xuân, Giao Hải, Giao Thiện, Giao An,v.v …Những năm về sau, số người trúng vụ đếm thưa thớt trên đầu ngón tay, tôm giống, ngao giống, vạng giống chết dần. Đầm nuôi bị ô nhiễm, bị bỏ hoang. Nhiều người chán nản bỏ lên thành phố làm thuê. Trước tình hình đó, VQG phối hợp cùng các dự án và chính quyền địa phương triển khai và khuyến khích người dân hướng tới những mô hình kinh tế mới, ổn định và bền vững về thu nhập, lại vừa bảo vệ tài nguyên, nhằm giảm thiểu những tác động xấu lên VQG như nuôi giun quế, trồng nấm, nuôi ong. Ông Trần Quang Vọng, Phó Chủ tịch UBND xã Giao An cho biết, toàn xã có 2650 hộ dân với 10250 khẩu thì có tới hơn 70% hộ làm nghề nông. Mỗi khi tới vụ thu hoạch, rơm rạ được chất đống và đốt, gây khói mù làm ô nhiễm môi trường, hoặc được đổ xuống sông trôi dạt ra cửa biển và chảy vào các đầm nuôi tôm cua, ngao vạm,v.v… gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động, thực vật trong vườn quốc gia, cũng như giảm năng suất của các đầm nuôi trồng thủy sản. Việc triển khai mô hình trồng nấm giúp cho nguồn rơm rạ được tận thu, tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm việc trong nội đồng cũng như hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên vùng bờ biển một cách bừa bãi của người dân khi lúc nông nhàn, hơn nữa lại giúp giải tỏa đàn gia súc chăn thả trong vùng lõi của VQG. Tại xã vùng đệm Giao Thiện, hiện có hơn 30 hộ trồng nấm, còn ở xã Giao An có trên 15 hộ với mức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/năm. Điển hình, có hộ gia đình thu trung bình 6 triệu đồng/tháng từ việc trồng nấm. Bên cạnh việc trồng nấm cho nguồn thu nhập ổn định và giảm áp lực lên việc khai thác tài nguyên tại VQG Xuân Thủy, mô hình nuôi ong cũng đang dần khẳng định chỗ đứng của mình. Hiện nay, xã Giao An có trên 20 hộ nuôi ong trên tổng số 70 tổ nuôi ong của huyện Giao Thuỷ, điển hình có hộ đạt sản lượng tới 200kg, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm. Mặc dù không đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng những mô hình sinh kế này như thổi luồng gió mới vào cuộc mưu sinh của người dân vùng biển nơi đây. Cuộc mưu sinh không còn lênh đênh đánh bắt trên biển đầy nguy hiểm và nhọc nhằn, cũng không còn lo lắng thường trực như đánh bạc với những đầm tôm, khu ngao vạm và cũng không phải chạy trốn “người nhà vườn” do lén lút vào rừng hay làm tổn hại môi trường của khu Ramsar đầu tiên ở Việt Nam. Người dân đã dần bằng lòng và chấp nhận một cuộc sống ổn định, phát triển bền vững hơn. Nguồn: INFOTERRA VN (XL theo Bộ TN&MT, 15/12/2009)

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501