ngày 02/2/1971, tại thành phố Ramsar thuộc nước cộng hòa Hồi giáo Iran, Công ước quốc tế về bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi di trú của các loài chim nước.

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân.
Mặc dù vùng đất ngập nước chỉ chiếm 0,75% lượng nước ngọt thế giới nhưng lại trực tiếp cấp nước cho các hoạt động của con người. Nó đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành, cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên; giúp các đô thị, làng mạc được bảo vệ trước sự phá hủy của thiên tai.
Với vai trò và tầm quan trọng đó, ngày 02/2/1971, tại thành phố Ramsar thuộc nước cộng hòa Hồi giáo Iran "Công ước quốc tế về bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi di trú của các loài chim nước" chính thức được các nước thành viên thông qua. Sau đó, Liên Hợp Quốc và Ban Thư Ký Công ước Ramsar đã lấy ngày 2/2 hàng năm là ngày "Đất ngập nước Thế giới".
Vào ngày này mỗi năm, đều có 01 chủ đề đưa ra với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, để thúc đẩy các hành động dẫn đến việc bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi chúng. Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay – Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước” nhằm nêu bật nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.
Vùng Đất ngập nước Xuân Thủy chính thức được công nhận là Khu Ramsar vào năm 1989. Đây là vùng Đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á gia nhập Công ước này và đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của Công ước.
Vùng đất ngập nước Xuân Thủy được coi là một hệ sinh thái đất ngập nước điển hình cho vùng cửa sông ven biển ở miền Bắc Việt Nam. Các kiểu hệ sinh thái nơi đây đã phát huy tốt vai trò bảo vệ vùng ven biển trước tác động của thời tiết cực đoan như gió, bão, nước biển dâng, đồng thời mở rộng quỹ đất bãi bồi tiến ra biển; điều hòa không khí, làm sạch nguồn nước, hạn chế ô nhiễm; tham gia trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đây là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy hải sản.
Đây cũng được coi là ga chim quan trọng và là điểm dừng chân của nhiều loài chim trên đường bay di cư từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á và châu Úc. Có thời điểm ghi nhận hàng chục nghìn cá thể chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm như Cò thìa mặt đen, rẽ mỏ thìa, Mòng biển mỏ ngắn, …
Vùng đất ngập nước ở Vườn quốc gia Xuân Thủy đã và đang có những đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội tại các xã vùng đệm thông qua việc tạo lập cơ chế bền vững cho việc phát triển các ngành nghề như: nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, nuôi ong lấy mật và phát triển du lịch sinh thái. Chính vì vậy, mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ vùng đất ngập nước Xuân Thủy cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ tốt các loài chim di cư, nguồn lợi thủy sản…; đồng thời tranh thủ các nguồn lực để phát triển các sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường; thực sự coi bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước Xuân Thủy là bảo vệ sự sống của chính mình, góp phần vào sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501