....quan điểm xuyên suốt trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy đó là lấy con người làm trung tâm....

Nẳm ở phía Đông Nam cửa Sông Hồng với diện tích vùng lõi là 7.100ha, Vườn quốc gia Xuân Thủy tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Nơi đây có mức độ đa dạng sinh học cao cả về hệ sinh thái và thành phần loài sinh vật với 07 hệ sinh thái đặc trưng và 1.646 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong, cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng, bò sát, ếch – nhái, chim và thú. Trong đó có 19 loài cá, 8 loài bò sát và 16 loài chim có tên trong Danh lục đỏ của IUCN – 2020; 09 loài chim, 01 loài bò sát và 03 loài cá có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Điều này đã giúp cho Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á và là điểm Ramsar thứ 409 của thế giới vào năm 1989, đồng thời đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên thứ 50 của Công ước quốc tế này (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước Ramsar, Iran,1971).

Tháng 12/2004, UNESCO tiếp tục công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng.

Xác định được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước Xuân Thủy, trong suốt nhiều năm qua đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các bên liên luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng. Các hình thức tuyên truyền được triển khai một cách bài bản, khoa học, đa dạng về nội dung và dưới nhiều hình thức khác nhau đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng, các bên liên quan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực.

Phối hợp với Kiểm lâm duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát

Tổ chức các buổi lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới, ngày đất ngập nước, ngày quốc tế về đa dạng sinh học....

Hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học được đơn vị duy trì thường xuyên, liên tục đã góp phần cập nhật diễn biến tài nguyên và thực trạng đa dạng sinh học, qua đó giúp đơn vị kịp thời đề xuất, bổ sung các giải pháp, phương án quản lý bảo tồn hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực.

Quan trắc, giám sát chim di trú

Các chương trình dự án trồng rừng, phục hồi rừng và tái thả nguồn lợi thủy sản kết hợp với việc thực hiện cơ chế khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, nguồn dược liệu... đã góp phần nâng cao nhận thức, thu nhập cho cộng đồng địa phương và duy trì hiện trạng đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy.

Tăng cường công tác trồng và phục hồi rừng ngập mặn

Tái thả nguồn lợi thủy sản tại khu vực

Một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực cũng luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng là hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương. Các sinh kế mới như trồng nấm, nuôi ong, phát triển du lịch sinh thái... đã tạo ra làn gió mới cho kinh tế địa phương, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho cộng đồng, qua đó giảm áp lực tác động lên tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực.

Phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm

Những thành quả đạt được trong công tác bảo tồn da dạng sinh học của Vườn quốc gia Xuân Thủy trong suốt nhiều năm qua chính là nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhờ sự chung sức, chung lòng và sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ viên chức trong đơn vị và sự chung tay của cộng đồng địa phương. Nắm bắt được điều này nên quan điểm xuyên suốt trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại khu Ramsar Xuân Thủy đó là lấy con người làm trung tâm. Chính vì vậy, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng địa phương luôn được quan tâm, chú trọng. Nhiều lượt cán bộ, cộng đồng đã được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn trong nước và quốc tế về giám sát đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trồng và phục hồi rừng, phát triển sinh kế... Công tác nghiên cứu khoa học cũng được duy trì và thực hiện thường xuyên đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực. Các nghiên cứu về tổ thành loài, nghiên cứu về loài, nghiên cứu về cấu trúc, xây dựng phát triển sản phẩm địa phương... đã góp phần duy trì thành phần loài và số lượng loài tại khu vực.

Đạo tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng đang chịu nhiều áp lực lớn từ việc khai thác thủy sản thiếu bền vững và hoạt động chuyển đổi hình thức nuôi trồng thủy sản tự phát của cộng đồng địa phương. Điều này đã và đang gây suy thoái tài nguyên thiên nhiên, suy giảm về thành phần loài và số lượng loài, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực. Những khó khăn, thách thức này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, tích cực hoàn thiện các giải pháp phát triển bền vững. Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật tới cộng đồng địa phương, đồng thời tăng cường năng lực và kinh phí cho nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

Ngô Văn Chiều – Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước

Nguyễn Thị Việt – Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501