LĐ - Người ta gọi ông Vũ Phương Thảo là "bác Nấm" vì ông là chủ tịch câu lạc bộ trồng nấm đầu tiên ở Xuân Thuỷ và cũng là đầu tiên ở Nam Định...

 
Lọ mọ chui ra khỏi căn bếp là một mái đầu bạc trắng. Khuôn mặt ông cụ hồng hào. Không phải hồng vì hơi nóng của bếp mà vốn khuôn mặt ông vẫn hồng hào, phúc hậu thế. Dáng người thẳng, bước đi còn toát lên vẻ tinh anh kia không phải của một ông già. Đôi mắt còn rất sáng, lấp lánh cười sau hàng lông mày rậm kia cũng khó có thể nói đó là của một người đã ở cái tuổi 80.
                                 
                         Ông Vũ Phương Thảo - Chủ tịch CLB trồng nấm
                                       Vườn quốc gia Xuân Thuỷ

Ông là Vũ Phương Thảo - một cán bộ về hưu ở xóm 24, xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định. Giờ, người ta còn gọi ông là "bác Nấm" vì ông là chủ tịch câu lạc bộ trồng nấm đầu tiên ở Xuân Thuỷ và cũng là đầu tiên ở Nam Định.

Nặng lòng với cây nấm

Ông cũng có một thời thanh niên sôi nổi tham gia các hoạt động đoàn thể. Thuở ấy, ông đã làm đến Bí thư Đoàn thanh niên rồi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Giao Thiện. Năm 1965, ông tham gia quân ngũ, làm việc ở Cục Vận tải- Tổng cục Hậu cần, vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Sau chín năm, ông lại về quê hương giữ chức Bí thư Đảng ủy.

Về hưu với chế độ thương binh 61%, nhưng do không may mất sổ thương binh nên đến nay ông không được hưởng chế độ gì. Vậy là, trải qua hơn nửa đời người với việc đảm nhiệm những chức vụ của người thường phải "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", ông vẫn cứ phải bươn bả lo kinh tế gia đình.

Quay trở về với nghề làm ruộng, ông Thảo thấy làm ra hạt lúa sao mà vất vả. Khi mất mùa đã khổ, được mùa thì giá bán cũng không cao. Trong ông bắt đầu ấp ủ mong muốn làm được gì đó để đời sống gia đình khấm khá hơn. Cũng là trồng trọt, nhưng ông muốn tìm được loại cây trồng ít vốn, ngắn ngày và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mấy năm gần đây, ở quê ông, cứ sau mỗi mùa gặt người dân thường đốt rơm rạ, khói bay tận vào thành phố khiến người dân ở đó không chịu nổi. Hỏi ra mới biết, số là đàn trâu do người dân trong vùng chăn thả đã phá rừng phi lao thuộc khu vực quản lý của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Bị cấm không được chăn thả, họ không nuôi trâu bò nữa nên rơm rạ không sử dụng hết phải đem đốt. Lại được biết trong vùng cũng có người chuyển sang trồng nấm với nguyên liệu là rơm rạ.

Ông nghĩ, quả thật là điều hay. Nghĩ vậy, ông cùng một số gia đình thử nghiệm trồng nấm. Nhưng không đơn giản như trồng rau, cây nầm hoàn toàn không phải là một loại cây trồng dễ tính. Nhiều lần, ông cùng những người tâm huyết với nghề trồng nấm đã mày mò thử nghiệm, nhưng không được như mong muốn vì thiếu vốn và kỹ thuật.

Năm 2000, ông xoay ra với công việc chăm sóc và cung cấp cây cảnh, giữ chức Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Giao Thiện - Giao Thuỷ. Kinh tế gia đình cũng đi vào ổn định, song trong ông vẫn luôn nặng lòng với cây nấm.

Năm 2008, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ có dự án phát triển kinh tế cộng đồng với mong muốn kết hợp giữa việc bảo tồn sinh thái bền vững, đồng thời giúp người dân trong khu vực vườn quốc gia và vùng đệm có thể phát triển kinh tế. Vậy là vườn quốc gia đã tìm đến ông và đặt vấn đề tài trợ kinh tế, kỹ thuật thành lập nên Câu lạc bộ trồng nấm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

Sẵn mối quan tâm, lại được hỗ trợ đúng những điều vốn là mối trăn trở, nên ông nhận lời tham gia ngay. Một lần nữa, ông lại được tín nhiệm làm chủ tịch một câu lạc bộ nông nghiệp. Nhưng lần này, công việc mới mẻ hơn, nhiều hơn và cũng có phần vất vả hơn. Nhiều người e ngại tuổi tác của ông sẽ là một cản trở cho nhiệm vụ của ông phải gánh vác. Còn đối với ông, tuổi tác lại đem lại cho ông cả kho vốn sống và sự kiên nhẫn để bắt tay vào xây dựng tổ chức cho một mô hình nông dân làm kinh tế mới mẻ.

Dù ở độ tuổi nào thì cũng vẫn cho thấy lòng nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm rất cao đối với công việc. Ông Thảo từng phải đạp xe hàng cây số để đến tận nhà các thành viên đăng ký vào câu lạc bộ để nắm bắt được chính xác tình hình hội viên, từ đó gây dựng lên những người có khả năng vào ban quản lý, cùng ông gánh vác công việc của câu lạc bộ.

Có những ngày, mười tiếng liền ông có mặt ở trụ sở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, quên ăn, quên ngủ để lo thủ tục và thảo luận kế hoạch xây dựng câu lạc bộ. Câu lạc bộ đã hoạt động thử nghiệm từ tháng 8.2008, với nội dung chủ yếu là tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật.

Và ở tuổi 80 ấy, ông Thảo lại cắp sách đi học nghề. Ông kể về thời gian được đi học tập huấn ấy với một giọng hồ hởi: "Chúng tôi được các thầy từ Trường dạy nghề Nghĩa Hưng dạy kỹ thuật trồng nấm trong 15 ngày. Và còn được lên tận Hà Nội học thêm 20 ngày tại Viện Di truyền. Tất cả các khoá học đó đều được sự tài trợ của vườn quốc gia. Giờ thì chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật trồng nấm".

Sau gần 7 tháng chuẩn bị, ngày 28.2.2009, Câu lạc bộ trồng nấm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ mà ông Thảo dồn tâm sức cũng chính thức ra đời. Ông không thích nói nhiều về quãng thời gian khó khăn của giai đoạn thành lập câu lạc bộ, ông thích khoe về những điều đã làm được hơn.

Chỉ sau chưa đầy nửa năm thành lập, câu lạc bộ đã có thể hoạt động độc lập với bộ máy tổ chức dần ổn định. Câu lạc bộ gồm một ban chủ nhiệm ba người, có bốn tổ sản xuất, một tổ kỹ thuật và đội ngũ cố vấn của vườn quốc gia. Đến nay, câu lạc bộ cho sản xuất ba loại nấm chủ yếu chuyển đổi theo thời vụ: Nấm rơm (mùa hè), nấm mỡ (mùa đông) và nấm sò (xuân thu). Mọi hội viên tham gia đều được những người có kinh nghiệm chia sẻ kỹ thuật trồng.

Hàng tuần, câu lạc bộ thường xuyên có buổi họp các thành viên để nắm bắt tình hình sản xuất, nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết khi có sự cố trong gieo trồng và thu hoạch nấm. Các thành viên còn giúp đỡ nhau bằng hình thức đổi công nên sản lượng và chất lượng nấm luôn ổn định.

Mô hình hoạt động của câu lạc bộ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều địa phương lân cận. Nhiều đoàn cán bộ các huyện, xã trong tỉnh đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và đăng kí trở thành hội viên. Đến nay, câu lạc bộ đã có trên bảy chục hộ thành viên thuộc 5/6 xã vùng đệm tham gia. Được sự hỗ trợ từ vườn quốc gia, câu lạc bộ đã sắm 2 lò sấy để có thể sấy khô sản phẩm dù trời không đủ nắng. Vậy là đầu ra cho sản phẩm có thể đảm bảo.

Bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ thì câu lạc bộ cũng nhận được sự tài trợ của Tổ chức Corin của Thái. Thị trường của cây nấm cũng ngày càng mở rộng, không chỉ tiêu thụ tốt ở khắp tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận. Đến nay, sản phẩm của các thành viên trong câu lạc bộ được đưa đi tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội.

Hiện nay, việc ông đang tích cực đẩy mạnh là tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm trong hội viên để gây dựng uy tín cho Câu lạc bộ trồng nấm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Ý định mà ông Thảo muốn hướng tới đó là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đó là một công việc không hề đơn giản, bởi khi đó chất lượng của sản phẩm luôn phải giữ được sự ổn định và khâu sản xuất cần nâng cấp ngày càng chuyên nghiệp.

"Bác Nấm" kể chuyện trồng nấm

 

               

 

        Rơm rạ được sử dụng để trồng nấm, giải quyết tốt vấn đề môi trường.

Cứ kể về việc trồng nấm là giọng nói của ông Thảo lại trở nên hào sảng lạ. Ông say sưa kể về kinh nghiệm trồng nấm cũng như những hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Ông cho biết, trong ba loại nấm thì trồng nấm sò là chủ lực vì giá rẻ, dễ làm, năng suất lại cao. Một tấn nguyên liệu đầu vào sẽ cho tương đương một tấn nấm sò với doanh thu lên đến 5-6 triệu cho một đợt thu hoạch. Nếu là nấm khô cũng bán được tới 90 nghìn/cân. Trong khi đó nấm rơm với 1 tấn nguyên liệu chỉ được có 2 tạ, doanh thu là 4 triệu.

Nấm rơm khó trồng, cụ thể là khó tính toán được nhiệt độ. "Trồng nó khó như nuôi con nhỏ. Vì vậy, để có kết quả tốt thì kinh nghiệm của tôi chính là sự tỉ mỉ" - ông chia sẻ. Đối với nấm mỡ tuy không khó tính, nhưng lại rẻ tiền. Từ kinh nghiệm ấy, nấm sò được ông và các thành viên câu lạc bộ lấy làm sản phẩm chủ lực.

Ông còn có niềm vui riêng vì đã tạo được công ăn việc làm cho chính những người trong gia đình. Ông tâm sự: "Trước đây, con cái phải đi làm thuê cho người ta tận Quảng Ninh. Đi làm xa mà kiếm được đồng tiền cũng khó, được 1-2 triệu thì vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt; lại xa gia đình nên dễ nhiễm thói hư tật xấu. Rồi cả khi nhà có việc, túng người chẳng lấy ai đỡ đần. Bây giờ cả nhà trồng nấm. Vợ chồng con cái đều yên ổn ở nhà làm ăn và thu nhập cũng ổn định.

Việc trồng nấm không khó khăn về nguyên liệu - rất sẵn từ rơm rạ, đây là loại thực phẩm sạch mà lại giải quyết được việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường sau mỗi mùa gặt của người dân. Ông Thảo lấy đó làm điều tự hào lắm. Với kinh nghiệm của người nông dân, ông nói: "Không phun thuốc sâu thì làm sao có rau mà bán, làm sao mà địch lại với bọn sâu bệnh và không sử dụng thuốc kích thích thì làm sao ngày nào cũng có rau để bán như thế. Vậy nên mới nói, nấm là loại thực phẩm sạch, vì nó không dùng đến những loại hoá chất thực vật để bảo vệ và là loại cây ngắn ngày, chỉ trong 25 ngày đã có thể thu hoạch. Từ khi chuyển sang trồng nấm, gia đình ai cũng phấn khởi vì vừa có thêm thu nhập, vừa có được loại thực phẩm sạch cung cấp cho người dân".

Từ hồi làm chủ tịch câu lạc bộ trồng nấm này, nhà ông lúc nào cũng nhộn nhịp đón khách ra vào. Lúc thì là đoàn cán bộ tham quan mô hình nông dân làm ăn kinh tế, khi thì đoàn tình nguyện trong nước và đặc biệt là nước ngoài về tìm hiểu và tài trợ. Người làm nông, đầu tắt mặt tối với công việc như ông cũng cảm thấy mở mang nhiều điều. Ông lại có thêm niềm vui trong công việc và cảm thấy ở cái tuổi gần đất xa trời, cuộc sống vẫn không hề nhàm chán.

Hỏi ông, đến bao giờ ông mới chịu nghỉ ngơi như bao người ở cái tuổi của ông xứng đáng được hưởng thụ, ông trả lời thật như lẽ sống ở đời: "Tôi đã 80 tuổi, nhờ trời tôi vẫn còn giữ được sức khoẻ, vẫn còn thiết tha với công việc, tâm huyết với công việc này nên tôi vẫn làm. Tôi sẽ làm cho đến khi không thể làm được nữa". Một người đầu bạc nói với người đầu xanh như thế đấy.

Theo Lao động (Thuỳ Dương)

 

 

 

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501