“Quản lý đất ngập nước ở Việt Nam (VN) vẫn còn nhiều bất cập, nhiều thách thức và sử dụng không đúng mục đích làm suy thoái, hủy hoại, làm giảm giá trị kinh tế và mất diện tích rất nhiều...”. Đó là ý kiến của GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả cuốn sách "Tổng quan hiện trạng đất ngập nước VN sau 15 năm thực hiện công ước Ramsar”.

Thưa GS, xin ông cho biết tình trạng thu hẹp diện tích đất ngập nước ở VN trong những năm qua?

Theo Bộ TN-MT, đất ngập nước ở VN có tổng diện tích khoảng hơn 10 triệu ha, trong đó đất ngập nước trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha.

Trong 15 năm qua, diện tích đất ngập nước tự nhiên đã giảm đi, diện tích đất ngập nước nhân tạo tăng lên. Cụ thể là các khu rừng ngập mặn tự nhiên ven biển đã mất dần, thay vào đó là các đầm nuôi thủy sản, các công trình du lịch và một số ít diện tích trồng rừng. Diện tích rừng ngập mặn đã giảm 183.724ha trong 20 năm qua (từ năm 1995). Trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng lên 1,1 triệu ha năm 2003.

Diện tích đất ngập mặn ven biển năm 1982 là 494.000 ha, đến năm 2000 là 606.792 ha do mở rộng diện tích nuôi tôm. Năm 1976 diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 2.062.000 ha, đến năm 2004 tăng lên 3.815.000 ha. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam, diện tích bị xâm nhập mặn ĐBSCL đã lên tới 50% diện tích toàn vùng (khoảng 2 triệu ha).

Trong những năm gần đây, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước, một diện tích rất lớn đất ngập nước đã bị chuyển hóa sang mục đích sử dụng khác; tính chất, giá trị của đất ngập nước vì vậy bị mai một. Đồng thời, sự phát triển này đã làm cho môi trường VN nói chung, đất ngập nước nói riêng đang có chiều hướng xấu do chất thải công nghiệp, ô nhiễm dầu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất hữu cơ và các chất độc hại trong khai thác tài nguyên.

Thế còn tiềm năng đất ngập nước ở VN, theo đánh giá của ông?

VN là một trong những quốc gia rất giàu tiềm năng đất ngập nước cả về diện tích, chức năng và giá trị so với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, VN nằm trong vùng nhiệt đới, được coi là một trong những trung tâm có mức đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học là cơ sở sinh tồn cho mọi sinh vật, cung cấp cho con người nguồn lương thực và thực phẩm, các nguồn dược liệu quan trọng, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, xây dựng, duy trì bảo vệ sức khỏe cho con người, văn hóa và thẩm mỹ.

Các hệ sinh thái nước ngọt có khoảng 2611 loài thủy sinh vật, 1.403 loài tảo biển, 190 loài giáp xác, 147 loài trai ốc, 54 loài cá, 157 loài đọng vật nguyên sinh... Các vùng đất ngập mặn nội địa lớn như Đồng Tháp Mười, U Minh và hệ thống suối là nơi chứa nhiều loài động, thực vật đặc hữu. Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển (rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá, cửa sông...) là nơi cư trú của nhiều loài cá, chim di cư, cỏ biển, rong tảo...

Ở vùng ven biển VN đã xác định được 350 loài san hô tạo rạn (sống gắn bó với cùng 2.000 loài sinh vật đáy, cá và nhiều loài hải sản khác), 15 loài cỏ biển, 667 loài rong biển, 94 loài thực vật ngập mặn.

Hiện nay, sản lượng thủy sản nước ta đạt trên 2.536 triệu tấn, trong khi đó khai thác hải sản đạt 1.426 triệu tấn và nuôi trồng 1.110 tấn. Đa dạng sinh học còn nuôi dưỡng nguồn gen quý như: trai ngọc, bào ngư, đồi mồi, bò biển...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự mất mát, suy giảm đa dạng sinh học có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do sự suy giảm và mất nơi cư trú.

Thưa GS, với diện tích và tiềm năng to lớn nêu trên, đất ngập nước mang lại lợi ích gì cho người VN?

Đặc điểm chức năng của đất ngập nước là: nạp, tiết nước ngầm, lắng đọng trầm tích, độc tố, tích lũy chất dinh dưỡng, điều hòa vi khí hậu, hạn chế lũ lụt, sản xuất sinh khối, duy trì đa dạng sinh học, chắn sóng, chắn bão bảo vệ bờ biển.

Đất ngập nước là nguồn sống của một bộ phận khá lớn người dân VN, mang lại lợi ích và giá trị to lớn về kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường, đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước

Từ năm 1989 đến 2004 VN đã xuất khẩu được hơn 45 triệu tấn tương đương trên 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2002 vượt mức 2 tỷ USD.

Nguồn thu từ du lịch trên các vùng đất ngập nước như: Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Mũi Cà Mau, ĐBSCL...ngày càng gia tăng

Giá trị lớn về khoa học giáo dục, bởi VN là mảnh đất có rất nhiều bí ẩn cần phải nghiên cứu và khám phá và cần giáo dục cho các thế hệ hiểu biết giá trị và bảo tồn đất ngập nước. Giá trị về lịch sử là nơi bảo tồn nhiều di tích lịch sử như: đường Hồ Chí Minh trên biển và rất nhiều khu di tích khác gắn liên với đất ngập nước. Giá trị liên quan đến văn hóa là lễ hội, và là cội nguồn sáng tạo về văn học, thơ ca, âm nhạc. Giá trị về bảo vệ thành quách bao giờ ở ngoài thành quách cũng có hàng rào nước để ngăn chặn kẻ thù như chiến thắng Bạch Đằng.

Tóm lại đất ngập nước VN có giá trị rất lớn không chỉ về kinh tế, môi trường, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, đất ngập nước đóng vai trò hạn chế tai biến về lũ lụt, sóng thần. Theo thông lệ quốc tế, đất ngập nước đã trở thành bài toán rất lớn từ những năm 1971, thế giới đã nhìn nhận tầm quan trọng đến mức sống còn và ra công ước bảo vệ.

Thưa ông, VN khai thác đất ngập nước đã xứng với tiềm năng của tài nguyên này?

Một số vùng đất ngập nước đã khai thác quá tiềm năng ví dụ như các hoạt động đánh cá ven bờ làm mất khả năng phục hồi. Có vùng nuôi trồng thủy sản đã vượt quá khả năng hệ sinh thái (ví dụ như ở một số vịnh biển tỉnh Quảng Ninh...).

Trong khi các giá trị bền vững khác chưa được khai thác như: du lịch, sinh thái, cảnh quan, giáo dục đào tạo, nghiên cứu...

GS có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng các hoạt động của con người đến đất ngập nước?

Làm suy giảm diện tích, biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng phòng tránh tai biến, ví dụ như đất hồ bị lấp đi khả năng trữ nước về mùa mưa và giữ nước cho mùa hè bị mất đi những chức năng môi trường, nước bị mất đi khí hậu sẽ bị biến đổi gây bất lợi, cảnh quan và sinh thái không còn. HN được coi là thành phố của hồ, tuy nhiên cho đến nay diện tích hồ bị thu hẹp nghiêm trọng. Do vậy những giá trị văn hóa, giá trị bảo tồn và sức hấp dẫn khách du lịch sẽ bị giảm đi.

Mức độ ảnh hưởng mất diện tích đất ngập nước rất lớn tùy theo từng vùng nhưng ví dụ như HN hiện nay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều hồ bị san lấp mà không có quy hoạch tổng thể. Do vậy, Chính phủ phải có kế hoạch diện tích hồ nào buộc phải giữ và trở thành luật để UBND thành phố HN ban hành để bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào xâm phạm đều bị xử lý.

Tương tự như diện tích đất ngập nước khác cũng cần phải bảo tồn. Tuy nhiên, bảo tồn ở đây là gắn liền với việc sử dụng bền vững. VN đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi nếu chúng ta chỉ quan tâm thuần túy đến bảo tồn thì cũng không khả thi.

Các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa thiếu các giải pháp bảo vệ môi trường cần thiết đã làm cho đất ngập nước của nhiều vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng điển hình là sông Tô lịch của TP Hà Nội bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng, tương tự nhiều vùng đất khác cũng bị ô nhiễm.

Trong bối cảnh VN là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, theo GS, chúng ta nên làm gì để cứu đất ngập nước, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường?

Theo tôi trước mắt việc mất an toàn lương thực chưa phải do suy giảm diện tích đất ngập nước bởi vì chúng ta đã được bù đắp lại bằng việc nâng cao năng suất, sử dụng giống mới ... Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục xu hướng này mà không có giải pháp ngăn chặn trước, sẽ đến lúc ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Do vậy, Chính phủ cần có những nghiên cứu, đánh giá sao cho diện tích tối thiểu an toàn đảm bảo cho an ninh lương thực của VN về các lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản...

Chúng ta phải bắt đầu từ việc có một quy hoạch phát triển bền vững đất ngập nước có tính đến các kịch bản của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phải có một nghiên cứu về đất ngập nước hình mẫu, đề xuất và hướng dẫn cho các cộng đồng dân cư địa phương áp dụng. Phải có những thể chế, chính sách đi kèm để khuyến khích sử dụng đất ngập nước. Đặc biệt. trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước. những khái niệm đất ngập nước, nghiên cứu, sử dụng đất ngập nước phải được đưa vào luật tương ứng. Nghiên cứu đất ngập nước và hướng tới sử dụng bền vững cần thiết phải được quan tâm bởi đây là nền tảng cho các hoạt động chính sách, kế hoạch, quy hoạch và tuyên truyền và có một dữ liệu cần thiết để cập nhật, sử dụng và chia sẻ.

Cần có những dự báo các kịch bản biến đổi khí hậu ảnh hướng đến đất ngập nước như nước biển dâng một số rừng ngập mặn bị mất đi, một số rạn san hô bị biến mất, đất nhiễm mặn tăng lên và những tai biến sói lở ảnh hướng đến đất ngập nước.

Xin cảm ơn GS!

Theo VietNamNet

        

Luật Viên chức 2010  (05:20 | 07-02-2012)

Điện thoại: (844) 0350 3741501