Khi đặt vấn đề đến cụm từ "chia sẻ lợi ích", thì đa số đều nghĩ đến đây là cụm từ có tính định lượng, một số ít cho rằng nó vừa mang tính định lượng lại vừa mang tính định tính, bởi tùy thuộc vào một điều kiện hoàn cảnh nào đó thì nó sẽ có thuộc tính phù hợp với bản chất mà nó có thể đáp ứng.

 
Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến "chia sẻ lợi ích" từ rừng, một cụm từ có thể nói rằng trong xu hướng hiện nay, ở bất kỳ vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc bất kỳ dự án lâm nghiệp nào cũng đề cập đến.

 

Vấn đề khó nhất hiện nay, đó là chia sẻ lợi ích từ rừng cho ai? chia sẻ cái gì? và chia sẻ như thế nào? cho đảm bảo đúng theo tên gọi của nó, vì một khi đã sử dụng tài nguyên rừng nói chung, thì cần phải có sự trao trả lại để rừng được tiếp tục phát huy ưu thế, kể cả người làm công tác lâm nghiệp, người tham gia công tác bảo vệ tài nguyên rừng.

 

Có thể hiểu tài nguyên rừng là một tổng thể gồm nguồn nước, hệ động vật, thực vật, vi sinh vật và các điều kiện cải tạo đất... Như vậy, có thể xem tài nguyên rừng là một hàng hóa và tất nhiên, khi sử dụng tài nguyên rừng kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải có cơ chế trả chi phí để tái tạo, duy trì tính hiệu quả của tài nguyên rừng.

 

Trên thực tế, việc xây dựng các nhà máy thủy điện, sử dụng các loại hình về du lịch sinh thái, hay công trình thủy lợi... đều có sự liên quan đến vấn đề sử dụng tài nguyên rừng. Có thể tìm hiểu từng vấn đề để xác định việc xây dựng các nhà máy thủy điện, thủy lợi, việc sử dụng các loại hình về du lịch sinh thái... có liên quan đến sử dụng tài nguyên rừng hay không? rõ ràng đều có sự liên quan, bởi nếu không có tài nguyên rừng lấy đâu ra nguồn nước để làm thủy điện, lấy đâu ra sự tồn tại của hệ sinh thái để làm du lịch... vấn đề ở chỗ là việc sử dụng và khai thác tài nguyên rừng để phục vụ cho các công trình trên trong khi việc chi trả lại chi phí cho tài nguyên rừng thì ít đề cập đến. Như vậy sẽ không đảm bảo sự công bằng về quyền lợi trong sản xuất, kinh doanh giữa ngành lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác mà người làm công tác lâm nghiệp, người tham gia công tác bảo vệ tài nguyên rừng chính là người có tác động tích cực duy trì và phát triển nguồn tài nguyên rừng. Nếu được thực hiện theo cơ chế trên, sẽ điều tiết được chi phí lợi nhuận thu được qua kinh doanh về điện, thủy lợi, về du lịch sinh thái, đảm bảo sự phù hợp giữa cung và cầu.

 

Việc điều tiết theo tỉ lệ phần trăm trên tổng lợi nhuận thu được từ các nguồn điện, du lịch sinh thái đã được Nhà nước quy định, nhưng trong tổng số kinh phí này thì số phải điều tiết lại cho người làm công tác bảo vệ rừng, chủ rừng đầu nguồn hoặc tái đầu tư trồng rừng thì không thể hiện một cách cụ thể.

 

Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm đó là người dân địa phương sẽ được chia sẻ lợi ích gì khi tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp cụ thể là nhận khoán bảo vệ rừng trong khu rừng đặc dụng. Việc được chia sẻ lợi ích qua việc tham gia các hoạt động lâm nghiệp ở các khu rừng đặc dụng chưa được Luật và các văn bản điều chỉnh một cách cụ thể, ở đây nói đến người dân được chia sẻ cái gì? Chia sẻ bao nhiêu? Đơn vị giám sát? Thẩm quyền phân định số lượng lợi ích? Lợi ích bằng tiền hay bằng hiện vật? Các chế tài trong quá trình thực hiện ?... những vấn đề trên chưa cụ thể thì việc tổ chức khó có thể thực hiện được.

 

 

Nguồn: Cục Kiểm lâm

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501