Mô hình du lịch cộng đồng đang được triển khai nhằm tạo sinh kế mới cho cư dân 2 xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Nam Định (xã Giao Xuân) và vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Thái Bình (xã Nam Phú).

1. Sân nhà cô Sáu tối nay đông vui vì có chiếu chèo Nam Định. Giữa không gian yên ả vùng đồng quê Bắc Bộ, đoàn du khách từ Hà Nội vừa nhấm nháp khoai lang luộc, uống nước vối, vừa đắm mình trong làn điệu chèo mượt mà do nhóm văn nghệ Giao Xuân biểu diễn. Cô Sáu tất bật mang các sản vật vườn nhà - nhãn, ổi, mít, lạc luộc - ra đãi khách.

Đã hơn 10 giờ đêm nhưng làng quê vốn vắng vẻ thuộc xã ven biển Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định vẫn rộn ràng lời ca tiếng hát. Cơn mưa mùa hạ không ngăn được khách và chủ nhà tay trong tay múa sạp.

Đoàn khách 30 người, đa phần là đại diện các hãng lữ hành đi khảo sát tour, thích thú khi khám phá các giá trị văn hóa phi vật thể đó. Buổi giao lưu văn nghệ với bà con Giao Xuân là một phần trong tour du lịch sinh thái cộng đồng ba ngày ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định (xã Giao Xuân) và vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Thái Bình (xã Nam Phú).

Đây là tour du lịch mẫu do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) hỗ trợ triển khai với mục tiêu giúp đỡ cộng đồng các xã vùng đệm tìm sinh kế mới thay thế khai thác thủy, hải sản trong các khu bảo tồn.

Tuy nhiên, tìm lời giải cho bài toán này thông qua du lịch cộng đồng để xóa đói giảm nghèo không đơn giản. Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD, từ lâu đã trăn trở trước thực trạng người dân sống giữa “rừng vàng biển bạc” mà không thoát cảnh đầu tắt mặt tối trên cánh đồng lúa hai vụ.

Đói nghèo dai dẳng khiến dân phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, phá rừng, tận thu tôm cá. Song khai thác bừa bãi không giúp họ hết nghèo mà còn dẫn tới cái nghèo khác nguy hiểm hơn - nguồn tài nguyên sinh thái cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, lũ lụt triền miên và người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả chính là người dân.

Rốt cuộc, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - phá rừng - đói nghèo - tái phá rừng như sợi dây nhiều nút thắt ngày càng siết chặt cuộc sống họ.

Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, nói với TBKTSG, hiện nay cuộc mưu sinh của hàng trăm người dân nghèo đang diễn ra hàng ngày ngay trên vùng lõi vườn quốc gia, gây sức ép rất lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học vô giá ở đây.

“Họ coi vùng lõi là nồi cơm chung, tha hồ khai thác. Tôi cho rằng giải pháp căn cơ là phải thay đổi cách nghĩ về người dân. Phải đặt họ vào vị trí trung tâm của sự hợp tác với chính quyền, vườn quốc gia và các hãng lữ hành, gắn quyền lợi của họ với lợi ích của vườn. Hợp tác tốt với dân là chìa khóa cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên”, ông Cách nói.       

Bà Huệ cho biết, từ năm 2006 MCD đã chọn Giao Xuân để xây dựng chương trình thí điểm kết hợp du lịch cộng đồng với bảo tồn sinh thái và cải thiện đời sống người dân. Các chuyên gia MCD dạy cho các hộ dân kỹ năng phục vụ cơ bản, đầu bếp của Trường dạy nghề nấu ăn Hoa Sữa được mời về để dạy cách chế biến thực phẩm, nấu ăn.

2. Tour homestay (lưu trú tại nhà dân) ở Giao Xuân và Nam Phú là sản phẩm du lịch đồng quê có tiềm năng hút khách quốc tế. Các nhà thiết kế tour của MCD chọn điểm nhấn là xóm làng thanh bình ven biển ở châu thổ sông Hồng, nơi cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay xen giữa là tháp chuông cổ kính của các nhà thờ xóm đạo.

Hành trình đồng quê bắt đầu từ Hà Nội theo quốc lộ 1A, đến Nam Định theo hướng biển và ghé thăm làng nghề cây cảnh Vị Khê, làng ươm tơ Cổ Chất, thăm chùa Cổ Lễ - ngôi chùa xây từ thế kỷ 12, và về Giao Xuân. Sau đó ăn trưa tại nhà dân.

Buổi chiều khách đạp xe theo tuyến Giao Xuân - Giao Hải, thăm nhà Bổi (một loại nhà cổ của người Nam Định), xem người dân làm nước mắm và các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống như xay lúa, giã gạo, nấu rượu. Buổi tối khách ăn tối tại nhà dân, thưởng thức các đặc sản biển Nam Định như con móng tay, nghêu, cá... sau đó xem biểu diễn chèo. Ngủ đêm tại nhà dân.

Ngày thứ hai đi thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy, địa danh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á tham gia Công ước Quốc tế RAMSAR về bảo vệ các vùng đất ngập nước, sau đó đạp xe ra bến đò Giao Thiện để sang Nam Phú. Tiếp đó, đi thuyền qua cửa Ba Lạt, đến Nam Phú và du ngoạn bằng thuyền tới Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải và ăn trưa tại nhà dân.

Buổi chiều, khách thăm khu chòi vạng Đông Minh và bãi tắm Cồn Vành. Sau bữa tối khách ra đầm tôm xem ngư dân đánh bắt tôm sú (nuôi) trong đầm và thưởng thức tôm nướng, ghẹ luộc, sò huyết với rượu quê ngay tại đầm trong điệu chèo của ngư dân Thái Bình giữa bốn bề mênh mông sóng nước như các hảo hán Lương Sơn Bạc.

Ngày cuối cùng của chuyến đi, khách tới thăm làng nghề mây tre đan Thượng Hiền thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình, làng nghề chạm bạc Đồng Sâm nổi tiếng có hơn 600 năm tuổi. Ăn trưa tại Thái Bình, ghé thăm chùa Keo Thái Bình và về Hà Nội.

 

3. Các yếu tố văn hóa, lịch sử với nét độc đáo riêng có của mỗi địa phương trong chương trình đã có. Các điều kiện khác phục vụ cho một tour cộng đồng, như chỗ ăn nghỉ cho khách, điều kiện vệ sinh chỗ ở, vệ sinh an toàn thực phẩm, xe đạp cho khách... về cơ bản đã đầy đủ. Vấn đề là làm cách nào trang bị cho dân chiếc cần câu và dạy họ cách câu. Làm tốt việc này chính là đảm bảo cho sự hài hòa giữa làm du lịch và bảo tồn tài nguyên.

Theo ông Cao Quốc Chung, Trưởng phòng sản phẩm, Công ty Du lịch Vidotour, phải đặt người dân vào vị trí chủ thể trong việc bảo tồn và phải coi họ là đối tác bình đẳng của các bên liên quan chứ không chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ. Khi đã xác định được chủ thể của du lịch cộng đồng cần tập trung hỗ trợ người dân nâng cao trình độ phục vụ và tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động này.

“Xin bà con nhớ là chúng ta phục vụ các ông tây bà đầm, những người đến từ nơi rất hiện đại nhưng muốn khám phá cuộc sống nông thôn. Vì vậy, họ hiểu và có thể thông cảm cho sự thiếu thốn tiện nghi: không có nệm, máy lạnh... nhưng họ không chịu được sự mất vệ sinh, bừa bộn và cả việc thiếu những nụ cười”, ông Chung góp ý với người dân Nam Phú.

Vấn đề vệ sinh ở các gia đình có dịch vụ homestay tại Nam Phú cần cải  thiện hơn nữa vì đây là điều quan trọng nhất với du khách. Những chi tiết rất nhỏ nhưng không được bỏ quên vì nó quyết định sự thành công của cả một tour du lịch và giúp tăng thu nhập cho dân: bồn cầu phải sạch, nhà tắm không có côn trùng, khô ráo.

Thức ăn là vấn đề khác. Khách trông đợi nồi cơm đúng kiểu nhà quê, nấu bằng rơm rạ, ủ trấu, cá bắt dưới ao nhưng khi chế biến phải bỏ xương vì khách tây sợ hóc, rau vườn phải sạch.

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng, lưu ý về các điều kiện y tế, an ninh cho khách như phải có trạm y tế để sơ cứu khách không may té gãy chân... Theo bà Thanh, điều họ cần là tấm lòng, tình cảm của bà con nên những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về lối sống và cả cú sốc văn hóa cần chuẩn bị trước để tránh không làm khách bỡ ngỡ.


Nguồn: TBKTSG Online

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501