Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và các đàn chim di trú hoang dã, VQG Xuân Thủy đã tiến hành đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển.

1. Bảo vệ rừng:

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên làm công tác tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hoạt động trái phép như săn bẫy chim hoang dã, khai thác củi, khai thác thủy sản không đúng quy định, kể cả việc xả rác, nhổ cây, bè cảnh của du khách. Ngoài ra các nhân viên của Vườn còn phải đến tận các xã vùng đệm để tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài chim di trú hoang dã.
 
                                 
         Cán bộ Vườn và Kiểm lâm viên đang thả chim hoang dã về tự nhiên

2. Phục hồi rừng:
Hàng năm VQG Xuân Thủy đã phối hợp với các ban ngành địa phương và cộng đồng dân cư vùng đệm để thực hiện các dự án trồng rừng của quốc gia như dự án 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án trồng rừng ngập mặn của Đan Mạch,… Đến nay, diện tích bãi bồi của VQG Xuân Thủy cơ bản đã được phủ xanh, nguồn lợi thủy sản được duy trì qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
 
                                  
                        Sinh viên tình nguyện nước ngoài và cộng đồng địa phương
                        đang tham gia phục hồi rừng Phi lao

3. Nghiên cứu khoa học:

Với mức độ đa dạng cao cùng nhiều loài chim di trú quý hiếm, VQG Xuân Thủy đã và đang là điểm nghiên cứu đầy tiềm năng của các nhà khoa học và là điểm thực tập lý tưởng cho học sinh và sinh viên các trường đại học trong cả nước. Nhiều nghiên cứu về sự phân bố loài, tập tính sinh hoạt của các loài chim di trú, phong tục tập quán và sinh kế của người dân địa phương,….được công bố đã giúp cho công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng nơi đây được tốt hơn.
 
                                     
                    Cán bộ Vườn và người dân địa phương đang thảo luận nhóm

4. Giáo dục môi trường:

Câu lạc bộ bảo tồn các loài chim hoang dã được hình thành và duy trì tại các xã vùng đệm, sự phối hợp giữa các cán bộ Vườn và người dân địa phương trong công tác bảo tồn đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Nhiều câu lạc bộ xanh đã được thành lập tại các trường học, nhiều các ấn phẩm, tài liệu về giáo dục môi trường đã được biên soạn và phát hành đã góp phần nâng cao nhận thức cho các em học sinh và cộng đồng dân cư. Chúng tôi đang nỗ lực từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương, các em học sinh cũng như du khách nhằm góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường được tốt hơn.
 
                                     
                           Hoạt động giáo dục môi trường trong các trường học
 

5. Phát triển cộng đồng:

Phần lớn người dân tại các xã vùng đệm sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng và nguồn tài nguyên thủy hải sản. Trong mấy năm trở lại đây, cùng với sự biến đổi của khí hậu thì hoạt động khai thác thiếu bền vững của người dân đã và đang từng bước làm suy giảm nguồn tài nguyên này. Hiểu được nguốn gốc và căn nguyên của vấn đề, các cán bộ của Vườn cùng với các tổ chức CORIN, MCD, WAP,….đã giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập bằng các sinh kế mới như: VAC, làm nấm, nuôi ong, làm du lịch sinh thái cộng đồng,…qua đó từng bước giảm được gánh nặng về khai thác tới nguồn tài nguyên nơi đây. Nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả trên mong đợi và đã được nhiều đơn vị trong và ngoài nước tới thăm quan học tập, đặc biệt là mô hình sản xuất nấm.
 
                                      
                            Mô hình sinh kế trồng nấm của người dân địa phương

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501