Mùa chim ở Xuân Thuỷ   (15:43 | 27-05-2015)
Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là một vùng cửa sông ven biển tiêu biểu cho mẫu chuẩn của hệ sinh thái đất ngập nước ở miền bắc Việt Nam. Với cảnh quan hùng vĩ và hoang dã của vùng bãi triều, trong suốt nhiều năm qua, khu vực này được coi là "Ga chim" quan trọng trong lộ trình di cư của nhiều loài chim đặc hữu.

Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng nghe nói rằng có nhiều loài chim sinh sống trong những vùng đất có khí hậu ôn hoà vào mùa hè sẽ di chuyển đến các khu vực ấm áp hơn trong những tháng mùa đông. Hiện tượng này được gọi là sự di trú. Một số loài chim chỉ di trú vài trăm dặm, một số loài khác đi xa hàng vạn dặm… Trong suốt lộ trình bay, phần lớn các loài chim thường chọn những vùng đất ngập nước làm nơi nghỉ ngơi để tìm kiếm thức ăn và tích luỹ năng lượng.

Trải dài dọc theo bờ biển suốt từ Bắc vào Nam nước ta đều hình thành các khu đất ngập nước tiêu biểu. Các khu đất ngập nước rất rộng, bao gồm các bãi bùn, các khu rừng ngập mặn cho đến các rặng san hô. Và mỗi sinh cảnh như vậy là nơi cung cấp môi trường sinh sản rất tốt cho nhiều loài động thực vật. Chúng tạo nên những nét đặc thù về đa dạng sinh thái và phát triển tiềm năng về kinh tế - xã hội.

Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển nằm ở phía Nam của sông Hồng, thuộc huyện Giao Thuỷ - tỉnh Nam Định. Với diện tích vùng bảo tồn rộng 7.100 ha bao gồm vùng bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh và vùng đệm rộng 8.000ha, trong đó có gần 3.000 ha rừng ngập mặn với nhiều loài thuỷ sinh có giá trị cao đã tạo nên sự trù phú cho vùng đất này.

Nhiều nghiên cứu từ những năm 80 đã chỉ ra rằng Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là một trong những khu đất ngập nước điển hình có tính đa dạng rất cao của hệ chim nước và các loài động vật thuỷ sinh. Sự có mặt thường xuyên của khoảng 150 loài chim di trú và gần 50 loài chim nước đã tạo điều kiện cho vùng đất này được UNESCO công nhận là thành viên công ước quốc tế Ramsar (công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước…) vào tháng 1/1989 và trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và duy nhất của Việt Nam hiện nay.

Đất đai ở VQG Xuân Thuỷ được phân thành 3 dạng chính: đất có rừng, đất bãi bồi chưa có rừng và đất còn ngập nước. Mỗi dạng đất đều có vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực. Tài nguyên rừng giữ vai trò định hình hệ sinh thái, tạo ra năng lượng sơ cấp, làm vườn ươm và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài thuỷ sinh, đồng thời là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật hoang dã. Các bãi cồn trống hiện là nơi sinh sống của đa số loài động vật đáy có giá trị, đồng thời là những bãi kiếm ăn quan trọng của các loài chim nước di cư vào mùa đông

Vào những tháng 11 cho đến tháng 3 hàng năm, số lượng chim ở VQG Xuân Thuỷ tăng lên một cách đột biến. Chúng kiếm ăn dọc theo các bãi ngập triều ở vùng đất ngập nước. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là theo chu trình di cư, một phần chim di trú từ nhiều vùng trên thế giới đã dừng lại đây để nghỉ lấy sức, nạp năng lượng chuẩn bị cho những chặng đường dài tiếp theo của mình.

Đối với các loài chim biển, hầu hết sự di cư được thực hiện theo trục Bắc - Nam. Khoảng tháng 6, tháng 7, phần lớn chúng sống ở vùng lãnh nguyên và các trảng cỏ Bắc Á. Độ dài của ngày và thức ăn phong phú đảm bảo cho quá trình sinh sản của chim. Tháng 8, tháng 9, do ảnh hưởng bởi những ngày đông phương Bắc nên ngày trở nên ngắn hơn và lượng thức ăn tại chỗ cũng dần ít đi.

Để tránh thời tiết khắc nghiệt, vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, chim di cư xuống phía Nam tìm những vùng ấm áp hơn. Suốt mùa không sinh sản (từ tháng 11 đến tháng 3), chim đều cư trú ở các vùng đất ngập nước có sinh cảnh phù hợp và nguồn thức ăn phong phú.

Sau 4 tháng di trú tại các vùng đất ngập nước, từ tháng 3 đến tháng 5 chim lại di cư hướng về vùng sinh sản ở phương Bắc. Tháng 5, tháng 6, đây là thời điểm khí hậu ấm áp và ngày dài hơn giúp cho chim bắt đầu trổ mã, kết đôi chuẩn bị cho mùa sinh sản mới. Và cứ như vậy chu trình này được nối tiếp liên tục từ năm này qua năm khác.

Thanh Bình

 

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501