Các vùng đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng cho sự sống của nhân loại và là cái nôi của đa dạng sinh học (ĐDSH). Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong suốt thời gian qua Việt Nam xác định việc bảo tồn các vùng ĐNN giàu tài nguyên là một trong những mục tiêu phát triển bền vững không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.

Công ước Ramsar - Công ước về các vùng ĐNN chính là hiệp ước liên chính phủ đã được thông qua vào ngày 02/02/1971 tại thành phố Ramsar, Iran. Công ước là thoả thuận đầu tiên về môi trường sống toàn cầu và cũng là thoả thuận đầu tiên công nhận các vùng ĐNN là một trong số những nguồn hỗ trợ hệ sinh thái hiệu quả nhất trên trái đất. Công ước cung cấp khuôn khổ để các quốc gia hành động và hợp tác với nhau trong việc để bảo tồn và sử dụng hiệu quả các vùng ĐNN và các nguồn tài nguyên.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu ha ĐNN được phân bố ở vùng châu thổ Sông Hồng, sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, bãi bùn, vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Việt Nam có 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và hơn 11 nghìn loài động, thực vật sống ở hệ sinh thái ĐNN biển, ven biển. Ngoài ra, nhờ tính đa dạng của các kiểu loại ĐNN đã tạo nên sự phong phú về loài, cung cấp lương thực, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD (năm 2017).

Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng ĐNN đầu tiên của Đông Nam Á tham gia vào công ước Ramsar (1989). Tháng 12/2004, Vườn quốc gia Xuân Thủy tiếp tục được UNESCO công nhận là vùng lõi có tm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy được ghi nhận là hệ sinh thái ĐNN điển hình cho vùng cửa sông ven biển miền Bắc nước ta. Các kiểu hệ sinh thái nổi bật tại đây bao gồm: (1) Bãi triều lầy có rừng ngập mặn, (2) Bãi triều lầy không có rừng ngập mặn, (3) Dải cát trải dài suốt ven bờ ngoài Cồn Lu và cồn cát chắn vùng cửa sông, (4) Đầm nuôi trồng thuỷ sản, (5) Sông nhánh, lạch triều, (6) Vùng nước cửa sông Ba Lạt, (7) Ruộng lúa nước. Các kiểu hệ sinh thái trên tổng hợp nên 15.100 ha diện tích Vườn quốc gia Xuân Thủy với hơn 1500ha rừng ngập mặn. Trải qua nhiều thế hệ, hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn quốc gia Xuân Thủy đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn đã thể hiện vai trò to lớn trong việc cố định phù sa tạo nên những bãi bồi tiến ra biển, hấp thu, dự trữ và điều tiết nước và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Rừng ngập mặn đồng thời là nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài thủy hải sản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, rừng ngập mặn càng phát huy tốt vai trò điều hòa không khí, góp phần làm sạch nguồn nước, các chất ô nhiễm, ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió bão, nước biển dâng. Với những lợi thế trên, Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành điểm dừng chân của rất nhiều loài chim di trú, nổi bật là những loài chim nước. Thời kỳ cao điểm, nơi đây ghi nhận hàng chục nghìn cá thể chim di cư đến để tránh rét trong đó có rất nhiều loài chim có quý hiếm như Cò thìa mặt đen, Rẽ mỏ thìa, Vịt đầu đen, Cò trắng Trung Quốc...

Phát huy lợi thế của vùng ĐNN tự nhiên trù phú, người dân địa phương đang thực hiện nhiều hoạt động phát triển kinh tế xã hội như: khai thác, nuôi trồng thủy sản, nuôi ong khai thác mật từ rừng ngập mặn, du lịch sinh thái…Các hoạt động này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH đều chung nhận định “Công tác quản lý ĐNN ở Xuân Thủy cũng như ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn như: ngày càng chịu tác động mạnh mẽ do các hoạt động phát triển kinh tế của con người và của biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều vùng ĐNN đã bị biến mất; diện tích các vùng ĐNN bị suy giảm do sức ép khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến ĐDSH bị suy giảm, số lượng các loài nguy cấp, quý hiếm đang ở mức đe dọa do đánh bắt quá mức.”

Trước bối cảnh trên, công tác bảo tồn bền vững hệ sinh thái Đất ngập nước là việc là rất cấp thiết. Công tác bảo tồn Đất ngập nước cần phát huy được sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân bởi: “Đất ngập nước là động lực của sự sống - Hãy bảo tồn đất ngập nước”.

Vũ Quốc Đạt

Phó giám đốc VQG XT



        


Điện thoại: (844) 0350 3741501