Chiều ngày 29/9/2015, Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về những kết quả đạt được giai đoạn 2011-2015, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; một số vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường giai đoạn 2016-2020; đề xuất một số kiến nghị, các giải pháp nhằm kế thừa và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Chiều ngày 29/9/2015, Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về những kết quả đạt được giai đoạn 2011-2015, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; một số vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường giai đoạn 2016-2020; đề xuất một số kiến nghị, các giải pháp nhằm kế thừa và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

Hội thảo có sự tham gia của trên 350 nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu đại diện cho các Bộ/ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực bảo vệ môi trường trong cả nước và một số Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Hội thảo Khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được chia thành phiên họp chung và 03 phiên Hội thảo chuyên đề, được tổ chức đồng thời với 03 chủ đề trọng tâm, đó là: Khoa học và công nghệ phục vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Ứng dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ trong cải tạo, phục hồi và xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Hoạt động KH&CN góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015

 

Trong giai đoạn 2011-2015, kết quả thực hiện các Chương trình KH&CN cấp quốc gia như Chương trình KC.08/11-15, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường… các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tập trung ở 03 khía cạnh chủ yếu, đó là:

Thứ nhất, đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành các Nghị quyết /Chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp, quản lý và bảo vệ môi trường. Đã tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề môi trường có tính vĩ mô như quy hoạch bảo vệ môi trường; lồng ghép các vấn đề môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường… Nhiều giải pháp, mô hình bảo vệ môi trường có tính đặc thù theo địa lý vùng, miền đã được nghiên cứu, đề xuất và triển khai áp dụng tại các khu vực làng nghề, nông thôn; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các lưu vực sông. Nhiều kết quả nghiên cứu đã góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường theo các đối tượng, thành phần môi trường như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực môi trường; xây dựng các hệ số phát thải phục vụ công tác thống kê nguồn thải lưu vực sông, kiểm kê khí thải...

Thứ ba, đã góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đã nghiên cứu xây dựng và phát triển một số quy trình công nghệ có hiệu quả, dễ triển khai ứng dụng, thân thiện với môi trường trong xử lý ô nhiễm nước, đất và không khí; nghiên cứu ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; thiết lập một số mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

 

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai KHCN trong lĩnh vực môi trường như: thị trường công nghệ môi trường chậm phát triển; chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường; thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học, công nghệ trong nghiên cứu triển khai KHCN môi trường; điều kiện kỹ thuật, tài chính phục vụ nghiên cứu triển khai công nghệ ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm còn rất hạn chế; còn thiếu các giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện vùng, miền địa phương, đặc biệt tại các khu vực làng nghề, nông thôn hoặc tại các lưu vực sông; nguồn lực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn nhiều hạn chế…

 

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Hội thảo đã trao đổi, thống nhất định với định hướng hoạt động KH&CN lĩnh vực môi trường giai đoạn 2016-2020 do Bộ TNMT, Bộ KHCN xây dựng, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, như sau:

(1) Tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, phát triển công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường; xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tiếp tục nghiên cứu lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành;

(2) Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường;

(3) Phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; Phát triển và thúc đẩy ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường;

(4) Nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới trong quản lý và bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường;

(5) Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt là tăng cường tiềm lực về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học;

 

Hội thảo thống nhất kiến nghị, để thúc đẩy hoạt động KH&CN lĩnh vực bảo vệ môi trường, giai đoạn 2016-2020, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm, như sau:

Một là, từng bước tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường. Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải đảm bảo có hệ thống, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ môi trường, tránh trùng lặp, lãng phí trong đầu tư cho hoạt động nghiên cứu.

Hai là, Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và với các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm đạt hiểu quả tối đa trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Tạo cầu nối, thúc đẩy cơ chế hợp tác, đặt hàng giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường như cử cán bộ đi học nâng cao trình độ (trong và ngoài nước). Chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiên cứu.

Bốn là, tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương về môi trường. Thu hút nguồn kinh phí từ nước ngoài thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam. Năm là, phát triển thị trường công nghệ môi trường và ngành công nghiệp môi trường. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, triển lãm giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường ở quy mô quốc gia và quốc tế.

 

CTTĐT
Nguồn: http://chuyentrang.monre.gov.vn/hnmttq4/cac-su-kien/hoi-thao-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-linh-vuc-bao-ve-moi-truong.html

        


Điện thoại: (844) 0350 3741501