Trong hai ngày từ 28 – 29/03/2015 Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tổ chức chuyến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và sử dụng nhãn hiệu với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà -Thành phố Hải Phòng...

Thực hiện Chương trình dự án “Phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương gắn với biểu tượng Vườn quốc gia Xuân Thủy-Vùng lõi số 01 của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng Châu thổ sông Hồng” do tổ chức Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) tài trợ; Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp&PTNT, Sở Khoa học&Công nghệ và Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Nam Định; Đến nay Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với cộng đồng địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu cho 02 sản phẩm “Mật ong Rừng Sú, Vẹt và sản phẩm Nấm Sò trồng trên nguyên liệu rơm rạ gắn với biểu tượng của Vườn quốc gia Xuân Thủy”.

Do đây là một lĩnh vực mới, Vườn quốc gia Xuân Thủy mong muốn được chia sẻ lợi ích cùng với cộng đồng trong công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm đạt được hiệu quả về lâu dài; Bởi vậy, trong hai ngày từ 28 – 29/03/2015 Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tổ chức chuyến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và sử dụng nhãn hiệu với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà -Thành phố Hải Phòng.

Tham gia chuyến tham quan, học tập có các cán bộ đến từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản – Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, Phòng quản lý chuyên ngành - Sở Khoa học&Công nghệ tỉnh Nam Định, Vườn quốc gia Xuân Thủy và đại diện các thành viên của Hợp tác xã Nấm và dịch vụ VQG Xuân Thủy, Câu lạc bộ nuôi ong VQG Xuân Thủy.

Thông qua chuyến tham quan, học tập, cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất, các nhà quản lý địa phương tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và Khu Dự trữ sinh quyển Sông Hồng đã có dịp trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu gắn với các sản phẩm, dịch vụ tại địa phương. Cũng trong chuyến tham quan, học tập và chia sẻ này đoàn cũng đã được phía Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà dẫn đi tham quan 02 mô hình sinh kế đang sử dụng và khai thác rất hiệu quả nhãn hiệu của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là mô hình nuôi ong và mô hình kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Kết thúc chuyến tham quan, đại diện hai đoàn đều cho rằng việc xây dựng, sử dụng và quản lý các nhãn hiệu gắn với các Khu dự trữ sinh quyển là hêt sức cần thiết trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên để các nhãn hiệu này đi vào cuộc sống và được người tiêu dùng sử dụng, đánh giá cao thì đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và các nhà quản lý. Đây chính là bước đi dài hơi của các Khu dự trữ sinh quyển, các khu rừng đặc dụng trong việc gắn bảo tồn thiên nhiên với phát triển bền vững sinh kế cho cộng đồng địa phương trong khu vực.

Một số hình ảnh về chuyến tham quan:

Các đại biểu đến từ Khu dự trữ sinh quyển Sông Hồng và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bá đang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng và quản lý nhãn hiệu gắn với khu dự trữ

Ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc VQG Xuân Thủy đại diện đoàn tặng quà cho Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và VQG Cát Bà

Khuân viên Khu dự trữ sinh quyển và Vườn quốc gia Cát Bà

Tham quan một số mô hình sinh kế của cộng đồng địa phương tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - Hải Phòng

Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú tại quần đảo Cát Bà - Hải Phòng






        


Điện thoại: (844) 0350 3741501